Băn khoăn việc in sách giáo khoa dùng một lần

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo tổng hợp của Chính phủ và báo cáo của các ngành tư pháp thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn. Trong đó vấn đề GD&ĐT vẫn là nội dung được nhiều ý kiến quan tâm.

Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

Theo tổng hợp, tính đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao 3 chuyên đề, tổ chức hoạt động chất vấn tại 3 kỳ họp, ban hành 3 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 3 nghị quyết về chất vấn nhiều lĩnh vực. Các thành viên UBTV Quốc hội nhận định, Chính phủ và các ngành đã quan tâm sát sao thực hiện các nội dung của Nghị quyết, đáp ứng được mong muốn của người dân. Đáng chú ý, công tác rà soát việc thực hiện “lời hứa” của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội đã khắc phục được nhiều vấn đề cử tri nêu, nhất là về hậu giám sát.
 Học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công trong giờ học. Ảnh: Công Hùng
Thẩm tra về vấn đề này, các Ủy ban của Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế trong thực hiện các kết luận giám sát, “lời hứa”. Đề cập đến lĩnh vực GD&ĐT, báo cáo thẩm tra do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cho biết, trong số 14 đề án để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 29/TƯ đã được xây dựng, triển khai, đến nay 10 đề án đã được ban hành, 2 đề án đã trình và 2 đề án đang hoàn thiện. Trong đó, việc đổi mới tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia "hai trong một" được coi là đã mang lại những kết quả nhất định, song kết quả kỳ thi THPT Quốc gia còn để xảy ra sai phạm ở một số địa phương, gây bức xúc trong Nhân dân.

Báo cáo thẩm tra cũng nhận định, Bộ GD&ĐT đã thể hiện sự quyết tâm trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; đề án đổi mới cơ bản được thực hiện theo lộ trình. Các khâu biên soạn SGK mới, chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác cũng đang được gấp rút triển khai cho thấy sự quyết tâm cao của ngành giáo dục trong việc bắt đầu thực hiện từ năm học 2019 - 2020 theo Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Quốc hội, vẫn còn nhiều băn khoăn về tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện Nghị quyết vì chưa rõ kết quả cụ thể cũng như chưa đánh giá rõ mức độ hoàn thành từng khâu, từng công đoạn trong tổ chức thực hiện.

Lãng phí trong in ấn SGK

Liên quan đến vấn đề SGK, trong phiên họp, nhiều thành viên UBTV Quốc hội băn khoăn về sự lãng phí trong cách in ấn và phát hành SGK. Đưa ra quyển sách Toán lớp 1 để minh chứng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ bức xúc về việc xã hội mỗi năm phải chi mất 1.000 tỷ đồng vào việc mua SGK để rồi năm sau không dùng được nữa, chỉ vì sách yêu cầu học sinh làm luôn bài tập vào đó. Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp cũng không ngần ngại nêu nghi vấn về tình trạng độc quyền trong sản xuất, phát hành SGK.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng đồng quan điểm và một lần nữa đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quan tâm vì “mỗi cuốn sách chỉ 10.000 - 12.000 đồng nhưng ảnh hưởng muôn nhà”. Nhìn nhận có những vấn đề trong giáo dục phải hàng chục năm sau mới thấy rõ hiệu quả, giống như trồng cây thì phải đợi đến ngày ăn quả, nhưng Trưởng ban Dân nguyện khẳng định, có những việc đã rõ ràng như chuyện SGK dùng một lần đã được phản ánh từ các nhiệm kỳ Bộ trưởng trước đến nay vẫn không được giải quyết thỏa đáng.

Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Ủy ban đang tiến hành giám sát về vấn đề độc quyền trong biên soạn, phát hành SGK và kết quả cụ thể, những con số cụ thể sẽ được công bố công khai vào cuối năm nay.

Chiều 19/9, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Đơn vị thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các thành viên UBTV Quốc hội đều tán thành về sự cần thiết ban hành luật để bảo đảm các quy định về quy hoạch có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019.