Bản lĩnh doanh nhân nữ Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù được coi là "phái yếu" nhưng trong gian khó, sức chịu đựng của người phụ nữ lại kiên cường, bền bỉ hơn nam giới. Đức tính chịu thương chịu khó đã giúp họ - những doanh nhân nữ vững vàng và bản lĩnh trước mọi sóng gió của nền kinh tế.

Vững vàng trên thương trường

Một phòng khám đa khoa hiện đại, một nhà máy sản xuất dược phẩm quy mô, đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất) và một thương hiệu mới trên thị trường dược phẩm được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm, không ai có thể ngờ tất cả đều là của một phụ nữ nhỏ nhắn ở độ tuổi 40 - đó là dược sĩ (DS) Lê Thị Bình, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình, cháu ngoại của bà lang nổi tiếng với bài thuốc phong tê thấp Bà Giằng.

Bước chân ra thị trường, DS Bình đã nhận thấy các sản phẩm truyền thống của gia đình bào chế ở dạng viên hoàn cứng, đã hạn chế sự hấp thụ của người bệnh vì chậm tan. Vì vậy, chị mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến dược liệu,  tạo ra nhiều sản phẩm tốt cứu giúp người bệnh, mở ra một con đường mới nhiều tương lai nhưng cũng đầy khó khăn và thách thức.

Để có nguồn dược liệu quý, DS Lê Thị Bình đã lặn lội đến tận những vùng sâu, vùng xa tìm kiếm và bào chế. Sau nhiều tháng nghiên cứu, học hỏi, DS. Lê Thị Bình đã bào chế ra được ba sản phẩm mới trên cơ sở bài thuốc cổ phương Đông: Viên Gout Tâm Bình, Viên Khớp Tâm Bình và Đại tràng Tâm Bình. Điều quan trọng là những loại thuốc này đã được chuyển đổi thành công từ dạng viên hoàn cứng sang dạng viên nang, giúp cơ thể hấp thụ thuốc toàn vẹn nên hiệu quả cao hơn.

Với công tác xã hội, chị cũng quan tâm đến những số phận kém may mắn, những người nghèo, người cao tuổi… Nhiều năm qua, chị tự mình đến với các bệnh nhân khớp nặng ở nhiều vùng sâu, vùng xa trên cả nước, tổ chức các đợt khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách và người nghèo ở nhiều địa phương như Thái Bình, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Phú Thọ…

Từng bước chắc chắn, Thương hiệu dược phẩm Tâm Bình dần khẳng định trên thương trường. Cá nhân chị 3 lần được trao tặng cúp Bông Hồng Vàng; được nhận Cúp Thánh Gióng; danh hiệu Tri thức trẻ Thủ đô.

Cũng là một doanh nhân thành đạt nhưng chị Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) lại thành công trên lĩnh vực tưởng chừng chỉ dành cho nam giới, đó là: Đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (KCN). Với 9 KCN có tổng diện tích hơn 2.000ha ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc…, tính đến cuối năm 2011, VID đã thu hút gần 400 DN, trong đó có 180 DN nước ngoài. Tổng vốn đầu tư thu hút được khoảng trên 2,5 tỷ USD và 1.500 tỷ đồng, tạo cơ hội việc làm cho hơn 150.000 lao động. Những con số này càng đặc biệt có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh kinh tế biến động như hiện nay.

Mới đây nhất, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên vừa được Tạp chí uy tín Forbes vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Chia sẻ bí quyết thành công, nữ doanh nhân này cho biết, phụ nữ thường quan trọng về chi tiết trong khi là người lãnh đạo doanh nghiệp bắt buộc phải có tầm nhìn. Điều đó tưởng như mẫu thuẫn với nhau nhưng để thực hiện được tầm nhìn không thể bỏ qua mỗi chi tiết. Ngoài ra, biết cách khơi dậy sức sáng tạo của mỗi người cũng là một ưu thế của lãnh đạo nữ…

Vẫn cần lắm sự sẻ chia

Mạnh mẽ và kiên cường là thế nhưng các doanh nhân nữ cũng cần lắm những sẻ chia, thấu hiểu từ xã hội để cùng họ gánh vác "việc nước". Doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường chia sẻ, các DN ngoài quốc doanh vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại khi tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, vốn và các nguồn lực khác. Do đó, Nhà nước cần sớm có cơ chế đảm bảo DN nhà nước và DN tư nhân được tiếp cận và chia sẻ nguồn lực một cách bình đẳng, tạo động lực để các DN nhỏ và vừa (chiếm đến hơn 90% tổng số DN cả nước) phát triển và đủ sức cạnh tranh.

Từ góc độ một chuyên gia, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để doanh nhân nữ gặp thuận lợi hơn trong kinh doanh cần nhiều yếu tố. Thứ nhất, Chính phủ nên tận dụng việc sửa đổi luật sắp tới để có thể cải thiện những vấn đề mà các doanh nhân nữ đang gặp phải. Thứ hai, ngân hàng cần đưa ra các sáng kiến giúp phụ nữ nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Nhưng mặt khác, doanh nhân nữ cũng cần chủ động hơn trong kinh doanh. Bà Victoria khẳng định: "Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không thể kinh doanh được vì không có vốn. Điều bạn cần là kiến thức và kinh nghiệm. Đừng khởi đầu bằng những thứ lớn lao. Hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ nhặt. Giải pháp đối với vấn đề thiếu vốn là hãy chỉ sử dụng những đồng vốn mà bạn đang có".

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” - khó khăn ngày hôm nay cũng chính là cơ hội để các doanh nhân nữ trui rèn, trưởng thành hơn, xứng đáng là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu...

 
Theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam là quốc gia có tốc độ xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, với tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương (tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 24,4%); tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành và quản lý doanh nghiệp hơn 20%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần