Ban Tổ chức TƯ: Hết chuyện bổ nhiệm bằng lấy phiếu tín nhiệm

Theo Vietnamnet.vn
Chia sẻ Zalo

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức TƯ Dương Minh Đức trao đổi với PV về việc thực hiện thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo.

Việc thi tuyển công khai hôm qua đã giúp Ban Tổ chức TƯ chọn được 3 vụ trưởng.
Không có chuyện rỉ tai nhau
Việc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển lần này được thông tin rộng rãi, vì sao chỉ có 12 ứng viên tham dự, thưa ông?
Đợt này chúng tôi thi tuyển chức danh 3 vụ trưởng mà theo quy định vụ trưởng phải là chuyên viên cao cấp, được quy hoạch làm vụ trưởng. Nhiều cán bộ có nhu cầu thi nhưng điều kiện chưa đủ.
Tiêu chuẩn của 3 vị trí này cao hơn do đây là cán bộ tham mưu cấp chiến lược, có quy định bằng văn bản.
 Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức TƯ Dương Minh Đức. Ảnh: Thu Hằng
Chúng tôi đang nghiên cứu để tham mưu, rất có thể sẽ có điều chỉnh để đối tượng dự thi được rộng rãi hơn.
Vì là thí điểm nên có không ít nghi ngại, liệu có đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng hay thi chỉ hình thức?
Tinh thần Trưởng Ban Tổ chức TƯ quán triệt kỳ thi phải khách quan, dân chủ, công bằng. Điều này thể hiện qua mấy điểm:
Hồ sơ xét tuyển đủ điều kiện dự thi do lãnh đạo Ban xem xét và được niêm yết công khai. Sau đó các thí sinh được nhận chủ đề, có 1 tháng để nghiên cứu, làm việc, đi khảo sát chuẩn bị cho kỳ thi.
Sau khi hoàn thành, các thí sinh nộp đề án cho tổ giúp việc niêm phong lại, mỗi thí sinh có 1 thùng riêng để đựng đề án. Cho đến khi Hội đồng thi tuyển họp phiên đầu tiên, các đề án này mới được mở ra.

Một yếu tố đảm bảo khách quan nữa là ngoài 7 thành viên trong Ban Tổ chức TƯ, Hội đồng thi tuyển còn có 4 thành viên đến từ Bộ Nội vụ, HV Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, HV Hành chính.

Ý kiến của các thành viên hội đồng là hoàn toàn độc lập, không có chuyện rỉ tai nhau.

Khi điểm được công khai, xếp hạng thứ tự 12 ứng viên của các thành viên Hội đồng đều có quan điểm rất giống nhau. Điều đó chứng tỏ các ứng viên bộc lộ khả năng tương đối rõ, Hội đồng làm việc khách quan nghiêm túc.

Sau thi tuyển, vụ trưởng vẫn bị điều chuyển?

Sau khi trúng tuyển, được bổ nhiệm mà cán bộ ấy không đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra, không thực hiện đúng như các cam kết mình đưa ra lúc dự thi thì Ban Tổ chức có cơ chế nào để sàng lọc, thưa ông?

Với quá trình chuẩn bị công phu, quy trình thi tuyển chặt chẽ cùng với sự đánh giá của các thành viên hội đồng, nhất là 4 thành viên bên ngoài đều nói Hội đồng thi rất nghiêm túc, khách quan. Họ tin là có cơ sở vững chắc cho những cán bộ trúng tuyển sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 Thí sinh trình bày Đề án trước Hội đồng thi tuyển. Ảnh: Xuân Sơn

Tuy nhiên, có thể trong quá trình diễn biến, gặp khó khăn, trong cuộc sống, trong công việc cũng có những tình huống không lường trước được.

Vì vậy Ban Tổ chức TƯ có quy chế luân chuyển, điều chuyển và phân công cán bộ, cho phép khi cán bộ, kể cả vụ trưởng không đáp ứng được yêu cầu đều có thể bị điều chuyển.

Lâu nay công tác cán bộ do Đảng quản lý, việc thi tuyển cạnh tranh, mở rộng như vậy liệu có trái với các nguyên tắc?

Việc thi tuyển là một khâu để đổi mới công tác tuyển chọn, nhưng việc này không xa rời sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ.

Cụ thể là những thí sinh dự tuyển đều được đào tạo, quy hoạch và đã được Đảng ủy cho ý kiến theo đúng quy trình công tác cán bộ.

Hồ sơ bổ nhiệm hoàn chỉnh, hồ sơ dự thi cũng hoàn chỉnh, kể cả kê khai tài sản, nhận xét của cấp ủy tại địa phương, giấy khám sức khỏe mới nhất, hồ sơ lý lịch nhận xét ở cơ quan, đảng ủy cho ý kiến…

Tất cả những điều ấy cộng với điểm thi cao nhất là điều kiện cần và đủ để lãnh đạo ban bỏ phiếu, ký quyết định bổ nhiệm.

Như vậy ở đây là đổi mới nhưng không xóa bỏ những quy trình, quy định nghiêm ngặt về công tác cán bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sau đây, chúng tôi sẽ thi tuyển các chức danh vụ trưởng, vụ phó, trưởng phòng, phó phòng bất cứ lúc nào cần. Không còn chuyện bổ nhiệm bằng lấy phiếu tín nhiệm nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần