Băng giá xuất hiện ở nhiều nơi, nhiệt độ giảm sâu khiến bệnh về đường hô hấp tăng mạnh

Đức Thọ (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh liên tục tăng cường xuống phía Bắc, ngày 10/1 nhiều nơi ở miền Bắc nước ta tiếp tục xảy ra hiện tượng băng giá.

Thị trấn Sa Pa mây mù bao phủ. Ảnh: Báo Lào Cai.

Nhiều nơi xuất hiện mưa tuyết, băng giá
Theo ghi nhận của PV báo Sài Gòn giải phóng, khoảng 17h chiều 10/1, tại khu vực xã Lũng Thầu thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, khi nền nhiệt độ xuống tới 0 đến 1 độ C, trời có mưa đã làm xuất hiện tình trạng đông kết. Toàn bộ các vạt rừng nước mưa hóa thành băng tuyết trắng.

Trước đó, vào trưa 10/1, tại khu vực đèo Khau Phạ thuộc huyện Mù Cang Chải, Yên Bái cũng xảy ra tình trạng băng giá phủ trắng các cánh rừng nằm hai bên đèo. Nền nhiệt độ trên đỉnh đèo vào trưa nay đột ngột giảm xuống còn 1 độ C, trong khi đó tại thị trấn Mù Cang Chải còn 9 độ C.

Trên đỉnh núi Phia Oắc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) cũng xuất hiện băng giá trong ngày hôm nay. Đây là đỉnh núi cao trên 1.000m so với mực nước biển, không khí lạnh, độ ẩm cao nên nơi đây thường có băng tuyết vào mùa đông. Mùa đông năm nay, băng tuyết xuất hiện 2 lần trên đỉnh Phia Oắc, nhưng lần này băng tuyết nhiều hơn, với nhiệt độ -2 đến -3 độ C.

Tại Nghệ An, theo ghi nhận, tại các địa bàn các xã Na Ngoi, Mường Lống, Tây Sơn, Huồi Tụ... (huyện Kỳ Sơn) nhiệt độ giảm nhanh. Ngày 9/1 đang ở ngưỡng 20 độ C thì qua một đêm đã xuống dưới 10 độ C. Trời đặc biệt rét buốt vào thời điểm ban đêm và sáng sớm. Nhiệt độ đo được tại bản Buộc Mú 1 (xã Na Ngoi) lúc 7h sáng 10/1 là 4 độ C.

Địa bàn xã Mường Lống được xem là một trong những nơi lạnh nhất khu vực miền Tây Nghệ An. Đến 14h ngày 10/1 nhiệt độ đo được là 6 độ C.

Ở Sapa cũng chưa ghi nhận hiện tượng băng giá, tuy nhiên nhiệt độ xuống còn 2,8 độ C vào lúc 7h sáng nay. Thị trấn Sapa mờ ảo trong sương khiến du khách đổ về đây ngày 1 đông, để hy vọng chứng kiến mưa tuyết trong những ngày tới nếu thời tiết còn tiếp tục lạnh thêm.
Đèn sưởi giúp bệnh nhi giữ ấm thân nhiệt. Ảnh: Báo Lào Cai.

Các bệnh về đường hô hấp tăng mạnh

Thời tiết rét đậm, rét hại trên diện rộng trong mấy ngày qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của nhân dân, nhất là người già và trẻ em.

Ghi nhận của báo Lào Cai, tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, số bệnh nhân nhập viện điều trị trong những ngày rét đậm, rét hại cũng tăng mạnh.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi cho biết: Trong những ngày rét đậm, rét hại này, lượng bệnh nhi điều trị tăng khoảng 20%, phần đông là những bệnh nhân nhỏ mới vài tháng tuổi. Ngày 10/1, tại khoa có 110 bệnh nhân điều trị, trong đó 40 trẻ bị tiêu chảy do rota virut, còn lại bị nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Trong khi đó, theo thống kê của Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An: Từ ngày 10/12/2017 đến ngày 10/1/2018, có 25.800 lượt bệnh nhi đến khám, trong đó trên 5.600 lượt bệnh nhi phải điều trị nội trú.

Tổng số lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị không tăng so với những tháng khác trong năm, song lượng người mắc bệnh về đường hô hấp lại tăng. Thậm chí, nhiều trẻ đến viện trong tình trạng tính mạng bị đe dọa bởi biến chứng viêm phổi cấp, nhiễm trùng huyết...

Không riêng gì ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An mà số bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp đến điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh cũng tăng lên đáng kể. Số giường bệnh kế hoạch của Khoa Dị ứng - Hô Hấp là 35 giường (thực kê là 64 giường) không đủ cho số bệnh nhân nằm điều trị. Những ngày qua, số bệnh nhân điều trị nội trú ở khoa luôn xấp xỉ 80 - 85 người.
 Băng giá ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Báo SGGP.
Theo các bác sĩ, trời càng lạnh những bệnh mãn tính, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp như hen phế quản mãn, viêm phổi mãn lại gia tăng, bùng phát. Đối tượng người mắc thường là những người già, trẻ nhỏ bởi sức khỏe, sức đề kháng yếu. Các bệnh đường hô hấp mùa này thường nặng hơn nên số ngày điều trị dài hơn, dẫn đến tình trạng quá tải ở bệnh viện.

Từ đó, các chuyên gia y tế đưa ra khuyến cáo, với những người cao tuổi, để phòng bệnh cần chú trọng việc giữ ấm cơ thể. Người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính cần đi tiêm phòng. Đặc biệt, cần chú ý đến việc sử dụng rơm rạ, củi, than để sưởi ấm. Đã có nhiều người phải nhập viện điều trị do khói độc ảnh hưởng đường hô hấp.

Với trẻ em cần giữ ấm cho trẻ, bổ sung chất dinh dưỡng giúp trẻ có sức đề kháng tốt, đặc biệt khi trẻ bị bệnh, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống kháng sinh, tránh tình trạng kháng thuốc dẫn đến bệnh nặng hơn mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị.