Bánh kẹo Cổ Hoàng “sống khỏe” nhờ chất lượng

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chịu sự cạnh tranh lớn của các sản phẩm bánh kẹo đa dạng trên thị trường, tuy nhiên nhiều năm qua, làng nghề bánh kẹo Cổ Hoàng (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên) vẫn “sống khoẻ” nhờ chú trọng bảo đảm chất lượng.

Về làng Cổ Hoàng thời điểm này, dễ dàng bắt gặp không khí làm việc hết sức khẩn trương. Tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Thiệp Xuân, hàng chục nhân công tất bật với các công đoạn làm ra những chiếc kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam, kẹo vừng,… Bà Trần Thị Xuân – chủ cơ sở cho biết, cao điểm những tháng Tết Nguyên đán, gia đình sản xuất đến 30 tạ bánh kẹo mỗi ngày. Sản phẩm của gia đình được tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang… Không chỉ mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cơ sở còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
 Sản xuất bánh kẹo tại một cơ sở thuộc làng nghề Cổ Hoàng.
Tại làng Cổ Hoàng, số cơ sở sản xuất lớn không nhiều nhưng gần như 100% hộ dân nơi đây có người thân tham gia vào một trong những công đoạn của nghề làm bánh kẹo. Những ngày cận Tết, nhiều hộ phải thuê thêm nhân công thời vụ, thậm chí làm cả buổi tối để kịp đáp ứng đơn hàng của khách.
Theo chia sẻ của một số hộ sản xuất bánh kẹo lâu năm, đã có giai đoạn làng nghề Cổ Hoàng bị mai một do giá trị kinh tế đem lại không cao; lại bị cạnh tranh quyết liệt với bánh kẹo nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân với quyết tâm giữ nghề truyền thống, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc để nâng cao năng suất và chất lượng cho sản phẩm bánh kẹo của quê hương.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Long Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, làng nghề bánh kẹo Cổ Hoàng đã được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống; vừa qua, tiếp tục được các sở, ngành, huyện Phú Xuyên hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bánh kẹo Cổ Hoàng”.
Dù vậy, trước sự cạnh tranh của sản phẩm ngoại nhập và từ các làng nghề khác, những hộ sản xuất nơi đây nhận thức rằng, phải không ngừng đổi mới mẫu mã, sản phẩm. Nhưng quan trọng hơn là cần bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm để giữ chữ tín với khách hàng trong bối cảnh thị trường có rất nhiều lựa chọn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, xã Hoàng Long đang có kế hoạch xây dựng bánh kẹo Cổ Hoàng là thương hiệu tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hiện, hồ sơ của sản phẩm này đang được huyện Thường Tín hoàn thiện, tiến tới trình UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng. “Việc bánh kẹo Cổ Hoàng được cấp “sao” sẽ rất có ý nghĩa, nhất là trong việc quảng bá thương hiệu. Từ đó, có thể giúp sản phẩm đến được với đông đảo người tiêu dùng Thủ đô, cũng như cả nước” – ông Hùng kỳ vọng. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần