Bánh Trung thu đại hạ giá trước Rằm tháng Tám

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Rằm tháng Tám, hiện các loại bánh Trung thu đang giảm giá sốc trên thị trường và khắp các trang mạng mua bán online.

 Ảnh minh họa
Trên các sàn thương mại điện tử như Hotdeal.vn, Tiki, Sendo, Lazada xuất hiện dày đặc các quảng cáo giảm giá bánh Trung thu từ 30 - 50%. Cụ thể bánh Trung thu Kinh đô gà quay, 2 trứng giảm từ 120.000 đồng/chiếc 210g xuống còn 102.000 đồng/chiếc, loại nhân Jambon Xá xíu 2 trứng giảm từ 110.000 đồng/chiếc 210g xuống còn 93.000 đồng/chiếc; Hộp 4 bánh Trung thu Kinh đô Thu phú quý giảm từ 380.000 đồng/hộp xuống 320.000 đồng/hộp; Bánh Trung thu Đồng Khánh đậu đỏ 2 trứng giảm từ 91.000 đồng/chiếc xuống còn 64.000 đồng/chiếc...
Các loại bánh Trung thu thương hiệu Hữu Nghị, Hà Nội, Thu Hương, Maxim's... cũng giảm giá từ 25 - 35%... Không chỉ giảm giá tại các website, trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook cũng tràn ngập các lời kêu gọi “giải cứu” bánh Trung thu handmade với mức giảm lên đến 45 - 50%; bánh nướng nhân thập cẩm, Jambon Xá xíu từ 105.000 đồng/chiếc giảm xuống còn 45.000 - 50.000 đồng/chiếc.
Để đẩy hàng tồn, nhiều nhãn hàng bánh Trung thu đã áp dụng khuyến mại để kích cầu. Tại nhiều quầy bán bánh Trung thu Kinh Đô, Hữu Nghị áp dụng chiết khấu cao từ 10 - 24% tùy số lượng, mua từ 30 hộp bánh trở lên còn được tặng bộ ấm pha trà. Tại siêu thị Vinmart cũng đang triển khai chương trình khuyến mại “Trung thu sum vầy - Tràn đầy khuyến mại” qua đó giảm giá từ 10 - 30% cho tất cả các loại bánh đang bán tại hệ thống siêu thị.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều người kinh doanh bánh Trung thu cho hay: Bánh Trung thu một năm chỉ bán được một lần nên các tiểu thương phải tìm cách bán hết hàng trước Rằm tháng 8. Hiện các nhà sản xuất như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Đồng Khánh... đã bắt đầu thu hồi bánh dù bánh có hạn sử dụng đến hết tháng 10.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, việc các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội ồ ạt giảm giá đến 40 - 50% bánh Trung thu, nhất là handmade cho thấy sản phẩm giảm giá chủ yếu hàng gia công, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đăng ký kinh doanh, không có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. “Sản phẩm do DN sản xuất tuy được giảm giá khá nhiều nhưng thực chất là một chiêu trò lừa đảo nâng giá trước rồi giảm sau, đánh vào tính ham rẻ người tiêu dùng. Để hạn chế tình trạng này, các cơ quan quản lý thị trường phải tăng cường kiểm tra tận gốc, tận cơ sở sản xuất để tránh việc đội giá hoặc đưa hàng giả, hàng nhái ra thị trường" - ông Phú khuyến cáo.