Báo cáo chính trị trình Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội: Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại

Nhóm PVTS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 12/10, tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trình bày Báo cáo chính trị Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XVI trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI
Trình bày Báo cáo chính trị tại Đại hội, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, với nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt, nỗ lực, quyết tâm thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP đi vào cuộc sống.
 Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trình bày Báo cáo chính trị Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XVI trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Thành ủy đã triển khai kịp thời, hiệu quả 8 chương trình công tác lớn toàn khóa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. TP đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI, có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó có 3 chỉ tiêu hoàn thành sớm 2 năm (tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo).
Cụ thể, kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh được cải thiện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 7,39%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.
Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị có chuyển biến tích cực. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, một số công trình, dự án quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành và khởi công.
Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện, nổi bật. Đến cuối năm 2020, có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao; triển khai và xây dựng được 15 xã nông thôn mới nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.
Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt nhiều kết quả tích cực. Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Giáo dục và đào tạo tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều đổi mới và tiến bộ; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; đầu tư nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế ở cả TP, cấp huyện và cấp xã; nâng cao y đức và thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua.
Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng, nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô và thành phố lớn trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Năm 2019, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 15 bậc lên vị trí thứ 9; chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) xếp thứ 2 (tăng 7 bậc so với 2015). Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, Báo cáo chính trị chỉ rõ các hạn chế. Trong đó, lĩnh vực phát triển kinh tế chưa tạo được các “đột phá lớn” và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an toàn giao thông vẫn còn hạn chế. Công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vị thế Thủ đô. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn chưa cao…
Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII xác định mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.
Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Chú trọng đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng nêu rõ Đại hội xác định các khâu đột phá: Thứ nhất, ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội,quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch… Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn Thành phố. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

Đại hội cũng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn tới là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ Thành phố trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp Thành phố, triển khai mạnh mẽ nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của Nhân dân Thủ đô. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh. Tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trong mọi tình huống. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô. Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hoạt động của các hội quần chúng Thành phố, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân Thủ đô. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025
Về kinh tế:
(1) Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025: 7,5-8,0%; trong đó: Dịch vụ: 8,0- 8,5%; Công nghiệp và xây dựng 8,5-9,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 2,5- 3,0%.
(2) Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65,0-65,5%; Công nghiệp và xây dựng 22,5-23,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%.
(3) GRDP bình quân/ người: 8.300-8.500 USD.
(4) Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1-3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành, tăng 12,5-13,5%/năm). (5) Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%.
(6) Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%.
Về văn hóa - xã hội:
(7) Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa: 75%; Thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn, Làng văn hóa: 65%; Gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa: 86-88%.
(8) Tỷ lệ trường công lập (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia: 80-85%.
(9) Số giường bệnh/vạn dân: 30-35; Số bác sỹ/vạn dân: 15; Duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.
(10) Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 75-80%; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 55-60%.
(11) Tỷ lệ thất nghiệp thành thị: dưới 3%.
(12) Không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố.
Về quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường:
(13) Tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới: 100%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: 40%, nông thôn mới kiểu mẫu: 20%; Hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp Thành phố.
(14) Tỷ lệ đô thị hóa: 60-62%; Tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu: 100%.
(15) Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch: 100%.
(16) Tỷ lệ các chất thải và nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn: 100%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%; Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%; Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải: 100%; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 50-55%.
(17) Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng: 30-35%.
Về xây dựng Đảng:
(18) Số lượng đảng viên mới được kết nạp hằng năm: 9.000-10.000 đảng viên.
(19) Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm: Trên 75%.
(20) Tỷ lệ tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm: Trên 75%.

Xem Báo cáo Chính trị trình Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội (bản tóm tắt): TẠI ĐÂY