Báo chí đa phương tiện - Ngành học mới, thực tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hình thức đào tạo theo modul, nội dung đào tạo chuyên biệt, Báo chí đa phương tiện đang là chương trình được Học viện Báo chí & Tuyên truyền đầu tư trọng điểm - TS Nguyễn Trí Nhiệm - Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ về ngành học mới mẻ này.

Chương trình đào tạo ngành Báo chí đa phương tiện có gì khác so với các ngành khác, thưa ông?

- Hiện nay, Khoa Phát thanh - Truyền hình đào tạo 5 chuyên ngành. Nhìn vào tên gọi, cũng có thể nhận thấy có sự khác biệt, nếu như 4 chuyên ngành phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử, quay phim truyền hình mang tính chuyên sâu thì chuyên ngành Báo chí đa phương tiện lại đào tạo theo khuynh hướng rộng. Người học sau khi tốt nghiệp có thể thực hành các loại hình báo chí khác nhau, đặc biệt tại các cơ quan báo chí đa loại hình.

Hiện nay, chương trình đào tạo đã đổi mới, tăng thời lượng các học phần chuyên ngành; kết cấu của các học phần giảm lý thuyết, tăng thực hành; xây dựng hệ thống học liệu đảm bảo phục vụ người học. Ngoài ra, Học viện có phòng thực hành các chương trình phát thanh, truyền hình, trang web Sóng trẻ; kết hợp với các cơ quan báo chí để sản xuất chương trình và tạo điều kiện cho sinh viên học tập, thực hành. Riêng chương trình đào tạo cử nhân Báo chí Đa phương tiện do các giảng viên, chuyên gia ĐH City London (Anh Quốc) và Học viện xây dựng, thuộc một phần của dự án Media Pro do Bộ Ngoại giao Anh tài trợ thông qua Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, có tổng kinh phí 6 tỷ đồng.

Hiện nay, có rất nhiều cơ sở đào tạo báo chí. Ngay trong Học viện đã có các lớp Báo in, Báo ảnh, Phát thanh, Truyền hình, Báo mạng điện tử. Và năm nay, Học viện Bưu chính Viễn thông còn tuyển 60 sinh viên cho ngành truyền thông đa phương tiện. Vậy cơ hội việc làm của sinh viên có bị hạn chế?

- Theo quan điểm của tôi, cạnh tranh là hết sức cần thiết kể cả trong lĩnh vực đào tạo nhân lực truyền thông. Thực trạng đó buộc chúng tôi phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu. Đối với người học có điều kiện chọn cho mình cơ sở đào tạo tốt nhất, phù hợp nhất. Chúng tôi tin rằng, cơ hội học tập, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đối với sinh viên chuyên ngành Báo chí đa phương tiện luôn có ưu thế. Vấn đề còn lại là, trình độ của sinh viên sau khi tốt nghiệp có đảm bảo yêu cầu hay không.

Mùa tuyển sinh năm nay, Học viện sẽ có thêm bài thi năng khiếu đối với các nhóm ngành liên quan đến báo chí. Theo ông, năng khiếu có phải là yếu tố quyết định đối với sinh viên theo học ngành này?

- Theo quan điểm của tôi, năng khiếu là một yếu tố quan trọng đối với người làm báo; phát hiện những người có năng khiếu để đào tạo là rất cần thiết nhưng năng khiếu không phải yếu tố quyết định đối với sinh viên báo chí. Ai có năng khiếu sẽ có khả năng phát triển, thậm chí là phát triển nhanh hơn người khác. Tuy nhiên, có năng khiếu nhưng không được nuôi dưỡng, năng khiếu sẽ… chết.

Để có thể được tuyển vào theo học chuyên ngành Báo chí đa phương tiện, thí sinh phải đáp ứng yêu cầu tuyển sinh (theo hồ sơ) của Học viện, yêu cầu kiểm tra năng khiếu (nội dung kiểm tra được đăng tải trên web của Học viện) và phải thật sự say mê nghề báo - một nghề thực tế đòi hỏi sự nhanh nhạy và không ngừng nâng cao kiến thức của bản thân.

Xin cảm ơn ông!