Báo chí phát hiện, phanh phui hàng nghìn vụ án tham nhũng, tiêu cực

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/8, tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra hội thảo báo Đảng các tỉnh, TP phía Bắc lần thứ 26 với chủ đề “Tuyên truyền đấu tranh chống các quan điểm sai trái và tiêu cực xã hội, nâng cao tính chiến đấu của báo Đảng địa phương” do báo Bắc Ninh đăng cai tổ chức.

Tới dự có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và đại diện 25 báo Đảng các tỉnh, TP phía Bắc, báo Kinh tế & Đô thị, báo Thanh Hóa.

Báo chí tích cực vào cuộc

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tổng Biên tập báo Bắc Ninh Nguyễn Bá Sinh chia sẻ, tuyên truyền đấu tranh chống các quan điểm sai trái và tiêu cực xã hội, nâng cao tính chiến đấu của Báo Đảng địa phương là một nhiệm vụ hết sức quan trọng hiện nay. Trên mặt trận tư tưởng văn hóa trước đây, cũng như hiện nay, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, báo Đảng luôn xứng đáng là “vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”, phụng sự sự nghiệp cách mạng.
 Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trò chuyện với các đại biểu bên lề Hội thảo
Thời gian qua các báo Đảng địa phương đã tích cực tham gia trong việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái và tiêu cực xã hội. Với nhiều phương thức thông tin, tuyên truyền hiệu quả, các báo Đảng địa phương đã chú trọng phân tích, phê phán những biểu hiện sai trái về quan điểm, về tư tưởng và hành động trong xã hội.

Cùng với việc chống các quan điểm sai trái, những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, các báo Đảng địa phương đã và đang tích cực tham gia đấu tranh với tình trạng tham nhũng, lãng phí trên mọi lĩnh vực, tình trạng mất đoàn kết, nói không đi đôi với làm; những tiêu cực liên quan đến cán bộ, đảng viên, chạy chức, chạy quyền; hình thức dân chủ… đang là những vấn đề nóng, bức xúc trong dư luận. Thực tế đang minh chứng niềm vui, niềm tin của Nhân dân thể hiện rõ khi Đảng và Nhà nước ta đang tích cực đấu tranh, xử lý những đối tượng trong các vụ việc tiêu cực, tham ô, tham nhũng được báo chí phát hiện.

Thông qua đó đã có nhiều tác phẩm báo chí địa phương được trao Giải báo chí Quốc gia, Giải báo chí về xây dựng Đảng Giải “Búa liềm vàng” và các Giải báo chí của các bộ, ngành T.Ư và địa phương.

Từ thực tế tại địa phương, Tổng Biên tập báo Hòa Bình Đinh Văn Ổn cho biết, từ năm 2017, báo Hòa Bình tập trung xây dựng nhiều chuyên đề có chất lượng tuyên truyền chống tiêu cực xã hội, được cấp ủy, chính quyền địa phương và độc giả đánh giá cao như: Nhức nhối tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông; Ngăn chặn Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ truyền đạo trái phép trên địa bàn… Chỉ tính 1 năm trở lại đây, báo Hòa Bình có khoảng 200 lượt tác phẩm trên 2 kênh báo in và báo điện tử phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm. Qua đó, góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tiêu cực.
 Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại hội thảo
Thách thức thời hội nhập

Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu cũng nhận định, việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái và tiêu cực xã hội của báo Đảng địa phương vẫn chưa thực sự đáp ứng tốt những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, chưa tương xứng với vai trò, vị thế của báo chí cách mạng trong xu thế hội nhập toàn cầu và tác động nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này đòi hỏi mỗi cơ quan báo Đảng phải suy nghĩ và hành động để có những hướng đi mới, cách làm sáng tạo và nhất là phải có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao tính chiến đấu, tăng cường đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, tiêu cực xã hội, vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Báo chí hiện đại đang phát triển theo xu hướng hội tụ đa phương tiện. Chưa bao giờ báo chí nước ta lại phát triển mạnh mẽ về số lượng đầu báo như hiện nay. Điều này thúc đẩy sự cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt giữa các cơ quan báo chí. Chính sự cạnh tranh này ngoài mặt tích cực cũng đã nảy sinh những vấn đề tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của báo chí và đạo đức người làm báo. Hàng loạt những vụ việc đưa tin giật gân, câu khách, sai sự thật, lột tả tỉ mỉ những vụ việc bạo lực… làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc, dẫn đến xa rời tôn chỉ mục đích của tờ báo.

Bên cạnh đó, mạng xã hội đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, hiệu quả, được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực, mạng xã hội có không ít những ảnh hưởng tiêu cực như: Thông tin trên mạng xã hội mang tính cá nhân, thiếu kiểm chứng. Thậm chí có thông tin xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, thông tin sai quan điểm chính trị, trái pháp luật của Nhà nước, thông tin giả mạo, bịa đặt, bôi nhọ danh dự cá nhân, nói xấu chế độ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước… gây tác hại cho dư luận xã hội.
Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà cùng các đại biểu dự hội thảo
Theo Tổng Biên tập báo Thái Nguyên Đỗ Thị Thìn, trong bối cảnh công nghệ 4.0, tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng trở nên phức tạp. Điều đó đỏi hỏi nhà báo phải trang bị kỹ năng, trình độ tốt để không bị tụt hậu và làm chủ công nghệ, phục vụ hoạt động tác nghiệp. Hơn nữa, thực tế cũng đặt ra yêu cầu phải trang bị hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho hoạt động báo chí, nhất là báo điện tử hiện nay. Tổng Biên tập báo Thái Nguyên cũng trao đổi về vấn đề thẩm định thông tin, quy chế phát ngôn… để báo Đảng có được nguồn tin kịp thời, chính xác.

Cũng liên quan đến đổi mới hoạt động báo chí trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng Biên tập báo Hải Phòng Lê Trọng Nghĩa nhận định, sự cạnh tranh thông tin trên báo điện tử ngày càng gay gắt. Do đó ngoài đầu tư cơ sở vật chất, các báo cần đa dạng cách thông tin tuyên truyền như thành lập fanpage của báo để kịp thời tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái và tiêu cực xã hội. “Để hoạt động của các báo tốt hơn, báo Đảng địa phương phải có được tin cậy của thường trực cấp ủy địa phương trong cung cấp thông tin” – Tổng Biên tập báo Hải Phòng chia sẻ.

Nâng cao tính chiến đấu của báo chí

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đánh giá cao chủ đề của hội thảo, bám sát quan điểm Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII. Thực tiễn khẳng định, báo chí có vai trò xung kích trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái và tiêu cực xã hội, nhất là chống tham nhũng, lãng phí. Báo chí đã tham gia tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật chính sách của Nhà nước về đấu tranh chống các quan điểm sai trái và tiêu cực xã hội, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời cung cấp thông tin, phản ánh những phát hiện của Nhân dân, cán bộ về đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Theo dõi, giám sát quá trình xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được phát hiện.

Báo chí tạo diễn đàn công luận công khai, phát hiện những bất cập yếu kém trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để cơ quan Đảng, Nhà nước có cơ sở điều chỉnh chủ trương chính sách.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, thực tiễn thời gian qua, nhất là thời kỳ đổi mới, báo chí cả nước đã luôn là địa chỉ tin cậy cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra, phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng lãng phí, tiêu cực. “Hàng nghìn tác phẩm báo chí trong nhiều năm qua, phát hiện, giám sát và đưa ra ánh sáng hàng nghìn vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, được đưa ra xét xử. Hàng loạt vụ án tham nhũng điển hình được báo chí phát hiện và bám sát để đưa tin kịp thời, đã được các cơ quan chức năng đưa ra xét xử” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết.

Thông qua việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chống quan điểm sai trái, báo chí đã tạo được lòng tin của Nhân dân vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chống quan điểm sai trái, làm trong sạch bộ máy Nhà nước, lành mạnh hóa đời sống xã hội. Kết quả này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với sự nghiệp xây dựng và chỉnh đốn Đảng, sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, để nâng cao tính chiến đấu của báo Đảng địa phương, phát huy có hiệu quả vai, trách nhiệm của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xã hội, chống các quan điểm sai trái, các báo Đảng địa phương cần có giải pháp kịp thời, thiết thực. Trong đó xây dựng đội ngũ nhà báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. các cơ quan bảo vệ pháp luật cần thống nhất một cơ chế cung cấp thông tin minh bạch, trách nhiệm, hợp lý cho các cơ quan báo chí, tạo điều kiện cho báo chí tham gia hành nghề, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đặc biệt, có cơ chế cho báo chí theo dõi quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời cho Nhân dân khi họ đã cung cấp thông tin cho báo chí vào cuộc. Tạo hành lang pháp lý an toàn cho nhà báo viết về tiêu cực, đấu tránh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chống các quan điểm sai trái.