Báo chí, văn nghệ cần cụ thể hóa những chủ trương lớn về phát triển văn hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/8, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Bộ Thông tin & Truyền thông (TT & TT) phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư và Hội đồng Lý luận phê bình Văn học, nghệ thuật (LLPB VHNT) T.Ư tổ chức Hội nghị Báo chí Văn nghệ toàn quốc năm 2014.

Cả nước hiện có trên 80 cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, các tỉnh, TP và một số bộ, ngành. Nhìn chung báo chí văn nghệ luôn bám sát định hướng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị; tham gia phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn; góp phần đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, thù địch, các tiêu cực xã hội trái với đường lối văn nghệ của Đảng, không phù hợp với lợi ích của đất nước, Nhân dân…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số tờ báo đã có lúc sa đà vào các thông tin tiêu cực xã hội, phản ánh ý kiến bạn đọc chưa qua kiểm chứng; cá biệt còn thông tin sự kiện nhất thời; tính định hướng thẩm mỹ, định hướng tư tưởng xã hội của một số kênh truyền hình, báo mạng chưa được quan tâm đúng mức…

 
Các đại biểu dự Hội nghị.
Hội nghị Báo chí Văn nghệ toàn quốc năm 2014.
Để thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, cũng như quán triệt sâu sắc Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tiếp tục  xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Hội nghị nhằm nhấn mạnh đến công tác quản lý và các loại hình thông tin để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên…. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền và lãnh đạo các cơ quan, báo, đài, tạp chí cần quan tâm, dành diện tích mặt báo, thời lượng phát sóng, phát thanh, truyền hình cụ thể hóa những chủ trương lớn về phát triển văn hóa, nghệ thuật.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại diện các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương đã kiến nghị về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho báo chí văn nghệ phát triển, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay.

 
Các đại biểu trao đổi bên lề hành lang Hội nghị.
Các đại biểu trao đổi bên lề hành lang Hội nghị.
Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn nghệ, nhất là các nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật nắm vững các quan điểm lớn trong Nghị quyết T.Ư 9 (Khóa XI) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X).

Coi trọng việc bồi dưỡng đường lối, quan điểm, các giá trị văn hóa – văn nghệ trong cán bộ, Nhân dân, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Có biện pháp nhằm khơi dậy lòng tự hào, ý thức sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm văn hóa, văn học nghệ thuật; đề cao trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ, đặc biệt là vai trò của công tác tư tưởng văn hóa, văn học nghệ thuật trong việc giáo dục, cổ vũ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí vượt khó khăn, tinh thần năng động sáng tạo theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; Hoàn thiện khung pháp lý đối với việc tài trợ, đặt hàng và khuyến khích sáng tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; có chính sách đãi ngộ phù hợp, bình đẳng đối với văn nghệ sĩ…

Kiên trì đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Chú trọng xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên vững vàng về chính trị tư tưởng; ngăn chặn đẩy lùi, vô hiệu hóa sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm văn hóa đồi trụy, phản động từ nước ngoài vào nước ta…