Bảo đảm an toàn cho Thủ đô trước diễn biến thiên tai ngày một bất thường hiện nay

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/9, đoàn công tác của Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã làm việc với TP Hà Nội về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) trên địa bàn TP năm 2020.

Chủ động triển khai công tác PCTT, ngay từ đầu năm 2020, UBND TP Hà Nội đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT & TKCN TP, phân công trách nhiệm cho từng thành viên là lãnh đạo các sở, ban ngành của Hà Nội. Kế hoạch PCTT năm 2020 cũng được ban hành ngay từ tháng 4/2020.
Đặc biệt, Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án ứng phó tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai theo Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, TP nhận định có 10 loại hình thiên tai có thể xảy ra, với cấp độ ảnh hưởng cao nhất tương ứng.
Cụ thể các loại hình gồm: Áp thấp nhiệt đới, bão (cấp 3 – 5); lũ, ngập lụt (cấp 4); mưa lớn (cấp 2); lũ quét, sạt lở đất (cấp 2); nắng nóng (cấp 1); lốc, sét, mưa đá (cấp 1); sương mù (cấp 1); rét đậm, rét hại, sương muối (cấp 2); động đất (cấp 2) và hạn hán (cấp 1).
Phương án PCTT được UBND TP Hà Nội chỉ đạo xây dựng theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó, đặc biệt chú trọng đến các địa phương khu vực ven sông, trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang, sạt lở đất, khu vực phân lũ, chậm lũ như: Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Sóc Sơn. Cùng với đó là phương án sơ tán người dân khỏi khu vực có nguy cơ mất an toàn khi có thiên tai…
 Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội báo cáo đoàn kiểm tra kết quả triển khai công tác PCTT của TP
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Chu Phú Mỹ nhận định, mùa mưa năm nay tới muộn, nguy cơ thiên tai vẫn rất lớn. Do đó, Hà Nội xác định không chủ quan. Để chỉ đạo và triển khai công tác PCTT&TKCN chủ động, hiệu quả, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP đề nghị Chính phủ, các bộ ngành T.Ư quan tâm, bố trí ngân sách thực hiện các giải pháp công trình thủy lợi, đặc biệt là khu vực cửa vào sông Đuống (huyện Đông Anh); dự án nạo vét sông Nhuệ, sông Đáy; chương trình nâng cấp đê sông…
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn lập phương án phòng chống lũ của tuyến sông có đê. Trong chỉ đạo điều hành việc tiêu nước khu vực Ngũ Huyện Khê qua cống Long Tửu, Bộ NN&PTNT xem xét nhiệm vụ tiêu nước theo cả 2 chiều phục vụ lấy nước và hỗ trợ chống úng ngập 2 bên bờ sông Thiếp – Ngũ Huyện Khê và kênh Long Tửu…
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Hầu Văn Lý – Phó Chánh văn phòng Bộ Công an, Trưởng đoàn công tác, đánh giá cao công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thiên tai của Hà Nội. Đối với các y kiến góp ý của thành viên đoàn kiểm tra, đề nghị Hà Nội tiếp thu, có giải pháp tháo gỡ khó khăn để thực hiện tốt hơn công tác PCTT&TKCN.
Đại tá Hầu Văn Lý đề nghị Hà Nội cần tập trung cho công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm; đặc biệt là kiến thức về PCTT&TCKN để chủ động xử lý khi có tình huống thiên tai xảy ra. Tổ chức diễn tập để chuyên nghiệp hoá, nâng cao tính chủ động, tránh lúng túng, bị động trong ứng phó với sự cố thiên tai…
Đối với các kiến nghị của Hà Nội, Đại tá Hầu Văn Lý cho biết đoàn công tác sẽ ghi nhận, có ý kiến đề xuất với các bộ ngành, nhất là Bộ NN&PTNT, chủ động phối hợp với UBND TP để xử lý, khắc phục những hạn chế về hạ tầng PCTT...