Bảo đảm nguồn cung thực phẩm sạch cho Thủ đô: Gắn kết hợp tác theo chuỗi

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm của người dân Thủ đô. Dẫu vậy, trước nhu cầu thực phẩm ngày một tăng cao của 10 triệu dân cư trú, việc tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ nông sản an toàn được xem là đòi hỏi cấp thiết.

Lực lượng liên ngành kiểm tra một cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng
Sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu
Theo đánh giá, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của Hà Nội là rất lớn. Hiện, trung bình mỗi tháng, 10 triệu dân sinh sống tại Thủ đô tiêu thụ khoảng 7.000 tấn lương thực, thực phẩm, phổ biến như: Gạo, thịt lợn, thịt bò, thủy hải sản, thực phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm… Không chỉ vậy, nhu cầu tiêu thụ thường tăng cao vào những dịp lễ, Tết.

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn, tuy nhiên, năng lực sản xuất thực tế còn hạn chế. Đơn cử như gạo, hiện chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu, con số này đối với thủy hải sản, thịt bò, trái cây các loại hay thực phẩm chế biến lần lượt chỉ là: 5%, 15%, 35% và 25%. Số lượng lương thực, thực phẩm rất lớn còn thiếu, Hà Nội phải nhập từ các tỉnh, TP lân cận.

Để chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm nông lâm thủy sản, Hà Nội đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn. Đến nay, toàn TP đã xây dựng và duy trì được 5.044ha rau an toàn, 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 3.941 trang trại ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản…

Chú trọng chất lượng nông sản

Trước đòi hỏi trên, từ năm 2015 đến nay, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo triển khai Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội. Năm 2018, Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, TP trong Ban Điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Thủ đô đã tích cực, chủ động kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản. Đến nay, đã xây dựng và phát triển được 543 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó, riêng Hà Nội đang duy trì, phát triển 121 chuỗi có nguồn gốc động, thực vật.
Trong quý I/2019, các sở ngành và quận, huyện, thị xã đã tổ chức 654 đoàn công tác, tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 5.612 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh. Sau thanh kiểm tra, đã xử phạt vi phạm hành chính 817 cơ sở, với tổng số tiền phạt gần 29 tỷ đồng.

Tính riêng năm 2018, các địa phương đã cung ứng cho Hà Nội hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm; phân phối thông qua hệ thống các chợ đầu mối, siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản an toàn như: Vinmart, BigC, AEON, Hapro, Bác Tôm, Sói Biển…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong năm 2019, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn với các tỉnh, TP thuộc Ban Điều phối. Đồng thời tăng cường trao đổi nhu cầu hợp tác, kết nối đầu tư sản xuất và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.

Ông Tạ Văn Tường cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm soát an toàn thực phẩm thông qua quản lý dịch bệnh chăn nuôi, chia sẻ thông tin để cùng nắm bắt diễn biến các loại dịch bệnh khi mới xuất hiện, có hướng giải quyết, không để lây lan rộng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tích cực phối hợp với các tỉnh, TP trong việc tăng cường truy xuất nguồn gốc nông sản, kiểm dịch sản phẩm động vật tại các chợ đầu mối..., bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần