Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) ra đời có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy quyền tự do dân chủ, tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm bình đẳng, công bằng trong xã hội.

Đồng thời, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền TCTT của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân
Tại hội nghị phổ biến Luật TCTT do Bộ TT&TT tổ chức ngày 18/4, bà Dương Thị Thanh Mai - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), thành viên ban soạn thảo cho biết, Luật TCTT dựa trên nền tảng của 2 bản Hiến pháp (Điều 69 Hiến pháp năm 1992 và Điều 25 Hiến pháp năm 2013) quy định về những quyền tự do, dân chủ của người dân, trong đó có quyền TCTT. Người dân chỉ có thể thực hiện được quyền tham gia Nhà nước (bầu cử và ứng cử), giám sát và phản biện xã hội, biểu quyết và trưng cầu ý dân khi họ thực sự có thông tin và được TCTT liên quan. Chính vì vậy, Luật TCTT ra đời trước sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân và có tiếng nói cần thiết trước các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước.

Người dân phường Khương Mai (Thanh Xuân) theo dõi, cập nhật các quy định mới được công khai tại trụ sở UBND phường. Ảnh: Thái San

Với tư cách thành viên ban soạn thảo Luật TCTT, bà Dương Thị Thanh Mai cho hay, nhu cầu TCTT của người dân ngày một tăng, trong khi một số cơ quan nhà nước có xu hướng co lại (với lý do bảo mật, bí mật Nhà nước). Do đó, việc luật hóa trình tự, thủ tục và cách thức TCTT để người dân được bảo vệ quyền lợi chính đáng, cơ quan công quyền cũng không né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin. Ngoài ra, Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng, tham gia các công ước quốc tế, nhất là các Công ước về quyền con người thì Luật TCTT ra đời chính là nằm trong xu thế hội nhập và thực thi các cam kết quốc tế ấy.
Tận dụng cơ chế phát ngôn để cung cấp thông tin
Trước đó, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã họp nghe báo cáo tình hình triển khai thi hành Luật TCTT và xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật. Liên quan đến xây dựng Dự thảo Nghị định, theo Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp), một trong những nội dung đáng quan tâm cần được quy định trong Dự thảo Nghị định là việc bố trí cán bộ đầu mối, nơi tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin của người dân. Điều 33 Luật TCTT quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân nêu rõ: Xác định đơn vị, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin; bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan.
Để hướng dẫn nội dung trên, Dự thảo Nghị định dự kiến quy định theo hướng ở địa phương (UBND) thực hiện bố trí đầu mối cung cấp thông tin qua bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Ở T.Ư, bộ, ngành, tùy thuộc cơ cấu tổ chức để quy định đầu mối cung cấp thông tin qua bộ phận một cửa hoặc bộ phận tiếp dân.
Đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật TTCT, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chỉ đạo xây dựng phù hợp với khả năng đảm bảo thực hiện của Nhà nước và người dân có thể thực hiện quyền TCTT thuận lợi, khả thi nhất. Đồng thời, rà soát kỹ các quy định liên quan để việc thực hiện quyền TCTT của công dân không bị trùng lặp, chồng chéo, nhất là việc cung cấp thông tin cho người dân vùng biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và để thống nhất hướng dẫn đầu mối cung cấp thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần