Bão Damrey giật cấp 14, tiến thẳng vào bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận

ĐỨC THỌ (TỔNG HỢP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo, bão số 12 (Damrey) đang mạnh dần lên, tiến thẳng vào bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận. Các địa phương bị ảnh hưởng đã rất tích cực, chủ động ứng phó với tình hình bão lũ trên địa bàn.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16h, vị trí tâm bão số 12 cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 750km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. 
 Vị trí và đường đi của bão số 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên.

Đến 16h ngày 3/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.

Từ chiều và đêm mai (3/11), do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Bình Định: Nước lũ lên nhanh, các trường cho học sinh nghỉ học

Từ ngày 31/10 đến nay, trên khu vực tỉnh Bình Định có mưa to đến rất to, nước từ thượng nguồn đổ về đến 10h sáng 2/11 đã gây lũ lưu vực hạ lưu sông Côn và sông Hà Thanh của huyện Tuy Phước và Phù Cát.

Các tuyến tỉnh lộ 640, 636B qua địa bàn xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang (huyện Tuy Phước) và xã Cát Chánh, Cát Tiến (huyện Phù Cát) nước qua tràn từ 0,4 - 0,6 m; các tuyến giao thông liên xã Phước Hòa - Phước Thắng đi Cát Chánh bị ngập sâu; nhiều khu dân cư các địa phương trên bị lũ cô lập. Các Trường THPT số 3 Tuy Phước, THCS Phước Hòa, Phước Thắng, các trường tiểu học, mầm non cho học sinh nghỉ học bởi nước lũ sáng 2/11 đang lên nhanh.
Phú Yên: 1 người chết do mưa lũ

Những ngày qua, do ảnh hưởng không khí lạnh nên ở Phú Yên có mưa to đến rất to, lũ trên các sông đạt mức báo động 2-3, gây ngập lụt, chia cắt cục bộ ở một số vùng trũng thấp thuộc các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Tây Hòa, Đông Hòa và TX Sông Cầu.

Để chủ động ứng phó bão số 12 và lũ lụt trên địa bàn tỉnh, sáng 2/11, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển; có biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, xây dựng, đê, kè; chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường có thể xảy ra.

Thông tin từ UBND huyện Đồng Xuân, một người đàn ông trú thôn Tân Thọ, xã Xuân Sơn Bắc trong khi bơi đến nhà người thân giúp chuyển đồ đạc đã bị lũ cuốn trôi. Đến 2h sáng 2/11 lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể người xấu số.

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, đến sáng 2/11, ở Phú Yên còn khoảng 300 tàu thuyền với hơn 1.760 lao động đang khai thác hải sản trên biển, trong đó có 147 tàu đang hoạt động xa bờ (chủ yếu vùng biển thuộc quần đảo Trương Sa), còn lại là hoạt động ven bờ. Tất cả ngư dân trên các tàu thuyền này đều nhận được thông tin về tình hình bão trên biển Đông và thường xuyên liên lạc về gia đình và bộ đội biên phòng.
 Nhiều tàu cá đã neo đậu an toàn tại sông Cà Ty, Bình Thuận. Ảnh: Báo Bình Thuận.
Khánh Hòa: Hơn 1 ngàn héc ta cây trồng bị ngập

Tại khu vực phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, mưa lớn cộng với hồ Đá Bàn xả lũ gây ngập úng tại nhiều vùng trũng ở thị xã Ninh Hòa, làm hơn 400 héc ta cây trồng bị ngập.

Tại huyện Vạn Ninh, mưa lũ khiến hơn 880ha lúa vụ mùa bị ngập úng; tỏi bị cuốn trôi 5ha; mía bị ngã đổ 70ha; kênh mương bê tông bị sập 553m, đất đá cuốn trôi khoảng 600m3; đường giao thông bị sạt lở khoảng 500m; sập 1 vách nhà ở; ngập cục bộ hơn 110 nhà dân, nước ngập từ 20cm đến 70cm.
Bình Thuận: Phát lệnh cấm tàu thuyền ra biển

Ngày 2/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký quyết định cấm tàu thuyền ra biển, yêu cầu các địa phương phát lệnh gọi các tàu thuyền đang đánh bắt ngoài khơi trong vùng có khả năng ảnh hưởng bão phải khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn.

Nếu đến 17h chiều nay (2/11) mà còn tàu thuyền ngoài biển thì giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Thanh tra Thủy sản đưa tàu ra gọi về, không cho di chuyển; rà soát, sắp xếp từng tàu thuyền, đưa vào neo đậu đảm bảo chắc chắn, an toàn; chú ý không để tàu thuyền neo đậu gần cầu, ràng buộc vào các trụ cầu, không để tàu thuyền trôi ra gây thiệt hại.

Chậm nhất đến 10h trưa mai (3/11) phải hoàn tất các công việc chuẩn bị để chủ động ứng phó trước, trong và sau bão. Mặt khác, tổ chức chằng chống nhà cửa và các cơ quan, công sở.

Theo thống kê, tính đến 14h ngày 1/11, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 1.028 chiếc/6.482 lao động; trong đó các tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã neo đậu an toàn tại các bến, bãi. Tàu đánh bắt gần bờ 1.028 chiếc/6.482 lao động, khu vực hoạt động ven biển Bình Thuận, từ Tuy Phong đến Phú Quý, hoạt động trong khoảng cách từ 30 hải lý trở vào. Ngoài ra, tàu thuyền các tỉnh bạn đang neo đậu trong tỉnh 219 chiếc/1.379 lao động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần