Báo động hành vi lệch chuẩn trong giới trẻ

Chi Lê thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc nữ sinh V.A. 21 tuổi ném con mới sinh qua cửa sổ tầng 31 ở chung cư tại Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội gây bàng hoàng trong dư luận. Sự việc này cũng đặt ra những vấn đề lớn xung quanh chuyện tình yêu, tình dục và những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, lệch chuẩn của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

 Tư vấn tâm lý cho các bạn trẻ. Ảnh minh họa.
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồi Loan - chuyên gia tâm lý trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá gì về sự việc nữ sinh 21 tuổi ném đứa con mới lọt lòng qua cửa sổ tầng 31 gây rúng động dư luận vừa qua?

- Hành vi man rợ đó bị xã hội lên án gay gắt. Cũng có ý kiến cho rằng, có thể do V.A. bị bệnh. Tuy nhiên, muốn kết luận cô gái đó bị bệnh hay không, cần có một bản đánh giá lâm sàng từ các bác sĩ chuyên môn. Cá nhân tôi đánh giá, V.A. không bị bệnh bởi cô ấy vẫn học tập, sinh hoạt bình thường tại trường, lớp. Nhà trường cũng nhận xét cô ấy có khả năng văn nghệ tốt, tích cực tham gia các hoạt động phong trào… Trên phương diện đánh giá hành vi với xã hội, thì V.A. đã có hành vi tội ác, không thể chấp nhận được. Hành vi đó là kết quả của quá trình giáo dục rất lâu dài, thiếu hụt sự giáo dục trong gia đình, đặc biệt là sự dạy dỗ của cha mẹ.

Ngoài yếu tố gia đình, những hành vi lệch chuẩn ấy của V.A. nói riêng và nhiều bạn trẻ nói chung còn do chưa được giáo dục đầy đủ về kỹ năng sống, về tâm lý trong nhà trường?

- Sự việc là một tiếng chuông báo động tới toàn bộ gia đình hiện nay. Nhiều gia đình đang bỏ lơ con cái ở độ tuổi học sinh, sinh viên, nhất là những người xa gia đình đến đô thị sinh sống, học tập. Họ có rất nhiều vấn đề phải học hỏi, phải sử dụng đến nền tảng giáo dục đạo đức trong gia đình để tự thích nghi với xã hội cũng như môi trường học đường. Đặc biệt là biết cách ứng xử với các mối quan hệ, trong đó có tình yêu, tình bạn... Theo tôi, nguyên do đến từ sự thiếu hụt nền tảng giáo dục gia đình, đặc biệt là giáo dục đạo đức, ứng xử, nếp sống… Do đó, khi bước vào xã hội, những sinh viên ấy dễ bị giá trị ảo lôi cuốn.

Tại sao nhiều bạn trẻ khác cũng xa gia đình, du học nước ngoài, họ vẫn trưởng thành và đứng vững? Đó là do họ được gia đình giáo dục tốt kết hợp với giáo dục nhà trường. Truyền thống, văn hóa gia đình là các yếu tố vô hình nhưng rất vững chắc, giúp con người đi đúng hướng, vượt qua sóng gió trong cuộc sống.

Ông có lời khuyên nào dành cho các bậc phụ huynh trong giáo dục con em mình, nhất là giáo dục cách ứng xử cho các bạn trẻ?

- Các bạn trẻ là lực lượng hùng hậu trong xã hội, có kiến thức, hiểu biết, dám chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Không nhiều người trẻ có lối sống, hành vi, suy nghĩ lệch chuẩn. Chỉ một bộ phận rất nhỏ trong xã hội hiện nay có lối sống quá ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình. Tôi chỉ khuyên các bạn trẻ nên hòa nhập với xã hội, ngoài việc học tập, hãy tham gia các hoạt động từ thiện, tình nguyện… Từ đây, các bạn sẽ hiểu hơn về xã hội và bằng chính trải nghiệm của mình, tự rút ra được bài học để sống tử tế hơn.

Về phía gia đình, không có một bài học nào là phù hợp. Tôi tin các gia đình hiện nay vẫn đang đi đúng hướng, đó là giáo dục con mình rất chỉn chu từ lời ăn tiếng nói cho đến cách ứng xử. Nhưng, một bộ phận phụ huynh nên quan tâm hơn nữa tới con cái, uốn nắn con từ phát ngôn, cách ứng xử đến định hướng chúng có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Không nhất thiết phải có học vấn cao thì mới có đạo đức, miễn là cha mẹ dành sự quan tâm tới con mình. Không nên đổ lỗi cho việc không được học hành khiến việc giáo dục con cái bị bỏ bê – đó là quan niệm sai lầm.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần