Báo động những chiêu trò đạo sách

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên thị trường xuất bản đang xảy ra vụ lùm xùm liên quan đến nhóm tác giả Đặng Thúy Hằng, Dương Thị Dung, Nguyễn Thảo Nguyên đã đạo tư liệu của tác giả Hoàng Tuấn Công để dùng cho cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”. Vụ việc vẫn chưa có hồi kết, rất nhiều những tình tiết còn chưa được làm rõ, đặt ra những hoài nghi về chiêu trò đạo sách đang thịnh hành hiện nay.

Cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” bị tạm đình chỉ phát hành do bê bối đạo văn. Ảnh: Nguyễn Trinh
Ăn cắp 8 hay hơn 50 mục từ?
Cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” được coi là một cuốn sách tra cứu công phu, có tổng cộng 902 trang, in 3.000 cuốn, khổ 14,5 x 20,5, in xong và nộp lưu chiểu quý IV/2019; giá bìa 230.000 đồng, do Nhà xuất bản (NXB) Đại học Quốc gia Hà Nội cấp phép, đơn vị liên kết và phát hành là Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ Văn hóa Minh Long (Công ty Minh Long). Cuốn sách do nhóm tác giả Đặng Thúy Hằng, Dương Thị Dung, Nguyễn Thảo Nguyên thực hiện. Theo phản ánh của tác giả Hoàng Tuấn Công, nhóm tác giả Dương Thị Dung - Đặng Thúy Hằng - Nguyễn Thảo Nguyên đã sao chép nhiều cách giải thích công phu, độc đáo của anh để in trong cuốn từ điển và cho bán ra thị trường. Hoàng Tuấn Công đã dẫn dụ những thông tin sao chép, hay còn được gọi là ăn cắp trắng trợn từ các nguồn bài giải thích thành ngữ tục ngữ đơn lẻ của Hoàng Tuấn Công từng đăng rải rác trên trang blog “Tuấn Công thư phòng“ từ năm 2013 đến 2018; loạt bài “Nguyễn Cừ đã giải thích tục ngữ Việt Nam như thế nào?”, phê bình cuốn sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” đăng nhiều kỳ.
Sau phản ánh của tác giả Hoàng Tuấn Công, ngày 20/2, NXB Đại học Quốc gia đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Minh Long để xác định: Nhóm 3 tác giả của cuốn từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có tham khảo một số tư liệu, cách giải thích từ những nguồn tư liệu khác nhau. Phía Công ty Minh Long cũng xác nhận đây là sự việc đáng tiếc, đồng thời cũng đưa ra bản đối chiếu danh mục tham khảo, chỉ rõ 8 mục từ mà cuốn sách có trích dẫn từ blogspot của Hoàng Tuấn Công.
Liên hệ với tác giả Hoàng Tuấn Công, ông khẳng định nhóm tác giả không chỉ “ăn cắp” cách giải thích trong 8 mục từ mà so sánh ban đầu con số này là hơn 50 mục từ. “Nhiều khảo cứu công phu của tôi bị nhóm tác giả chép nguyên xi, có chỗ tóm tắt, hoặc thay đổi tí chút; có chỗ ăn cắp ý, cách giải thích mới, mà trước tôi, chưa từng có ai tìm ra. Tất cả đều không có một dòng chú thích, dẫn nguồn. Thậm chí mục “Tài liệu tham khảo” của nhóm tác giả này cũng không hề dẫn bất cứ nguồn tài liệu nào mang tên Hoàng Tuấn Công” - tác giả Hoàng Tuấn Công cho biết. Chưa kể, tác giả Hoàng Tuấn Công còn đưa ra những bằng chứng nhóm tác giả còn sao chép thông tin từ nhiều công trình của nhiều tác giả khác.
Bí ẩn nhóm tác giả
Ngoài ra, cũng lo lắng về sự nhập nhèm, mạo danh những tên tuổi có uy tín để đứng tên công trình, nên tác giả Hoàng Tuấn Công đã yêu cầu xác minh một số thông tin chi tiết về tác giả. “Tôi quan tâm đến thông tin cơ quan làm việc của nhóm tác giả này vì rất có khả năng, nếu “trót lọt”, những người này có một vị trí ở các trường đại học, học viện hoặc viện nghiên cứu; hay ngồi ở hội đồng giáo sư nào đó. Điều này rất nguy hiểm, nguy hại đối với môi trường giáo dục. Nhất là họ đã, đang và sẽ tiếp tục biên soạn sách” - tác giả Hoàng Tuấn Công cho biết.
Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra gần một tuần, phía Công ty không cung cấp được thông tin cụ thể về 3 tác giả. Đặc biệt, thạc sĩ Dương Thị Dung - hiện đang công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, là tác giả của cuốn từ điển Ngữ văn và từ điển Tiếng Việt đang lưu hành trên thị trường tỏ ra khá bất ngờ, khẳng định chị không phải là tác giả của cuốn sách đang gặp bê bối của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam cũng khẳng định, chị Dung đang nghỉ thai sản và không liên quan đến cuốn sách từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam vừa xuất bản. Ông Tình cho biết, trên thị trường sách hiện nay đang xảy ra thực trạng “lập lờ đánh lận con đen”, mượn danh các nhà viết sách uy tín để dùng làm chủ khảo cho các công trình kém chất lượng, khiến độc giả nhầm tưởng, mua sách để tham khảo mà không biết kiến thức cung cấp trong sách không đúng bản chất sự việc.
Cụ thể, trong trường hợp nhóm tác giả Đặng Thúy Hằng, Dương Thị Dung, Nguyễn Thảo Nguyên cũng mới xác định được Nguyễn Thảo Nguyên tên thật là Cao Hòa Bình. Qua quá trình trao đổi, bà Cao Hòa Bình đã xin lỗi ông Công, mong muốn gặp tác giả để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, người đứng tên trong hợp đồng với Công ty Minh Long là bà Đặng Thúy Hằng là ai, vẫn còn là ẩn số. Bà Cao Hòa Bình cũng từ chối cung cấp thông tin về hai tác giả này, vì cho biết, họ còn trẻ, lo sợ sự việc sẽ bị truy cứu tại cơ quan họ công tác.
Hiện nay, NXB Đại học Quốc gia đã ra Quyết định số 01/QĐ-NXB để tạm đình chỉ phát hành cuốn sách “Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam”. Giám đốc NXB Đại học Quốc gia Hà Nội TS Phạm Thị Trâm cho biết: “Chúng tôi cho thời hạn 3 ngày (đến hết 25/2), nếu phía công ty và nhóm tác giả không trao đổi thỏa thuận được với tác giả Hoàng Tuấn Công thì sẽ ra quyết định thu hồi và lập hội đồng đánh giá, cho tiêu hủy cuốn sách. Là một NXB uy tín, chuyên làm sách chất lượng cao, quan điểm của NXB là mong muốn làm rõ, không bao che, dung túng cho những sai phạm này”. Được biết, trong ngày 25/2, phía Công ty Minh Long và đại diện nhóm tác giả là bà Cao Hòa Bình sẽ có buổi làm việc đầu tiên với tác giả Hoàng Tuấn Công.
Sự việc đạo nhóm tác giả, đạo tư liệu của Hoàng Tuấn Công cho cuốn sách của mình, không chỉ là một hiện tượng, mà là lời cảnh báo cho một thực trạng làm ăn dối trá của nhiều tác giả, cũng như lỗ hổng trong việc kiểm chứng, biên tập của lĩnh vực xuất bản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần