Báo động ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - Đáy

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải đến bây giờ, ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy mới được đưa vào báo động đỏ. Cách đây 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020, trong đó chỉ rõ các mục tiêu cụ thể cần đạt được trong từng giai đoạn. Tuy nhiên đến nay, dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, song tình trạng ô nhiễm vẫn chưa thực sự cải thiện.

Bài 1: Sống khổ bên dòng sông đang chết
Nước sông đen ngòm, bốc mùi hôi thối… là phản ánh của người dân sống trên nhiều đoạn sông Nhuệ trên địa bàn Hà Nội. Điều đáng nói, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý của hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
 Ông Lý Văn Thắng - người có hàng chục năm nhận khoán vớt rác sông Nhuệ đã phải bỏ nghề vì không chịu nổi sự ô nhiễm. Ảnh: Thương Huế
Cơ cực vì ô nhiễm

Đến khu tập thể Lâm Sản, đường Thanh Bình, phường Mộ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội) vào ngày tiết trời oi nồng, mới cảm nhận được phần nào nỗi cơ cực của người dân khu đây bởi những mùi hôi thối bốc lên từ sông Nhuệ. Ông Đỗ Mai - Phó khu tập thể Lâm Sản cho biết, cách đây 25 năm, nguồn nước sinh hoạt chính của gia đình ông cũng như người dân nơi đây đều từ sông Nhuệ. Khi đó, nước sông Hồng đổ vào sông Nhuệ, vẫn nguyên bản màu đỏ, người dân chỉ cần lấy về cho phèn vào xử lý là có thể dùng được.
“Ngày đó, sông Nhuệ vẫn đầy tôm cá. Chúng tôi sống nhờ sông, từ nước sinh hoạt hàng ngày đến nguồn thức ăn bắt được từ sông. Ngày Hè, không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng ào ra sông tắm. Giờ thì cách xa sông chục mét vẫn sực mùi hôi thối. Dân ở đây sống lâu cùng đành phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm” – ông Mai chia sẻ.
Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có diện tích 7.665km2, chiếm 10% diện tích toàn lưu vực sông Hồng, thuộc địa phận của 5 tỉnh, TP: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy trên địa TP Hà Nội được thực hiện tại 25 quận, huyện, thị xã.
Không ngần ngại, ông Mai dẫn chúng tôi ra nơi cống nước thải của cả khu đổ ra sông Nhuệ, dòng nước đen ngòm nối vào nhau, mùi bốc lên hôi thối, khó chịu. Ông bảo, trước kia sông còn được nạo vét, nước sông Hồng đổ vào qua cống Liên Mạc – Chèm nên nồng độ ô nhiễm của sông Nhuệ được pha loãng. “Giờ nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra môi trường cũng đã góp phần tạo nên ô nhiễm, chưa kể nước thải của làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ, nhà máy…” – ông Mai cho biết.

Cũng tâm tư như ông Mai, chị Liên (Tổ 11, phường Mộ Lao, nhà nằm ngay rẻo bên cạnh sông) cho biết, cửa phía sau nhà chị phải đóng quanh năm mà vẫn “hưởng” trọn mùi của sông Nhuệ bốc lên, nhất là vào mùa Hè, giao mùa hay dịp thời tiết hanh khô tháng 11, 12. Có những lần mưa bão, cả gia đình phải tổng lực cùng nhau dọn vệ sinh sông - đoạn sau nhà vì động vật chết, rác rưởi các nơi đổ về mắc vào những cành cây, gây ô uế.
“Nhiều khi muốn bán nhà để chuyển đi nhưng bán không ai mua. Bán rẻ quá thì không đủ tiền mua nơi khác nên phải chấp nhận. Họp tổ dân phố cũng có đề cập nhiều đến việc này nhưng không giải quyết được gì vì ô nhiễm sông là do cả hệ thống, đâu có phải chỉ riêng địa bàn phường” - chị Liên rầu rĩ.
 Cách trạm bơm cống Liên Mạc chừng 200m, rác thải sinh hoạt tuồn bừa bãi xuống sông Nhuệ 

Hệ lụy từ nước thải

Ngược sông Nhuệ lên khu cống Liên Mạc (Chèm), thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm - đầu mối nước sông Hồng chảy vào sông Nhuệ. Chúng tôi gặp được ông Lý Văn Thắng, cư dân tổ Đại Đồng, phường Thụy Phương, là người có hàng chục năm nhận khoán công việc vớt rác sông Nhuệ, đoạn từ cống Liên Mạc tới Hà Đông, đồng thời cũng là người “lái đò” thường được cơ quan chức năng thuê chở đoàn đi đo mức độ ô nhiễm của sông.

Ông Thắng cho biết, trước đây ông thường nhận khoán cả năm dọn rác rưởi hai bên vạt sông Nhuệ, năm nhiều nhất tiền công khoảng 60 - 70 triệu đồng nhưng hai năm nay ông phải bỏ nghề vì sông Nhuệ ô nhiễm quá. Theo ông Thắng, những đợt lũ lụt, rác rởi, xác chết động vật trôi lềnh bềnh, mắc kẹt bên vạt sông, mỗi lần dọn vất vả vô cùng. “Tuy nhiên, mùa Hè mới là kinh khủng bởi mùi hôi thối từ sông bốc lên, nhất là đoạn từ Cầu Diễn xuống cầu Hà Đông, nước sông Nhuệ đen kịt” – ông Thắng chia sẻ.
Trong những năm qua, Hà Nội luôn tăng cường thanh - kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Năm 2017, thanh - kiểm tra tại 2.161 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 588 cơ sở với tổng số tiền phạt là 16.515.844.925 đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các đơn vị có lượng xả thải lớn và nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm thải ra sông Nhuệ bao gồm: Nhà máy Bê tông Chèm, Viện Chăn nuôi, Công ty Giày da Thụy Khê, Công ty Rượu Anh Đào (quận Bắc Từ Liêm); Nhà máy Cao su Hà Nội, Công ty Sơn Hà Nội (quận Nam Từ Liêm); Công ty May Vietpacific, Nhà máy Sản xuất phụ tùng xe máy SYM, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Quân y 103… Trong khi đó, do không được sông Hồng bổ cập nước thường xuyên và sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch, nước thải sông Nhuệ bổ sung vào sông Đáy làm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy càng thêm ô nhiễm.

Đáng nói, nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm chứa các chỉ tiêu vi sinh vật cao gây nên các bệnh ngoài da, tiêu chảy hay đau mắt đỏ. Nguồn nước chứa nhiều kim loại nặng như sắt, măng gan, chì là nguyên nhân gây các bệnh về hô hấp và thần kinh. Mặt khác, vì trong nước bị ô nhiễm có hàm lượng các chất gây ăn mòn kim loại cao dẫn đến các công trình thủy lợi trên hệ thống cũng nhanh xuống cấp...

Trao đổi về phản ánh trên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, chất lượng nước sông Nhuệ tại cống Liên Mạc từ sông Hồng chảy vào tương đối tốt, song, đoạn đầu sông Nhuệ (18km đầu, từ cống Liên Mạc đến Hà Đông) phải tiếp nhận một số nguồn thải từ nước sinh hoạt và một số nguồn thải từ các làng nghề, nhà máy nên chất lượng nước bị ô nhiễm khi hàm lượng các chất Nitrit, N - NH3 vượt quá quy chuẩn Việt Nam.
Khi sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu hợp lưu và đổ vào sông Nhuệ tại đập Thanh Liệt, sông Nhuệ phải tiếp nhận thêm một khối lượng lớn nước thải sinh hoạt, cũng như nước thải công nghiệp, làm cho hàm lượng các chất ô nhiễm tăng đột ngột. Đoạn sông từ đập Thanh Liệt trở đi, nước sông Nhuệ - sông Đáy ô nhiễm nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của dân cư hai bên bờ sông.

(còn nữa)