Bạo động tại Mỹ: Cái chết của George Floyd - Giọt nước tràn ly

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi sự chú ý của nước Mỹ chuyển từ Covid-19 sang cái chết của người đàn ông da đen George Floyd sau khi bị cảnh sát khống chế quá mức, người Mỹ gốc Phi cho thấy họ luôn là nạn nhân của bất công xã hội, do nạn phân biệt sắc tộc gây ra.

Biểu tình sau cái chết của George Floyd tại Minneapolis, hiện đã lan ra ít nhất 30 TP trên khắp nước Mỹ.
Theo số liệu do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố hồi tháng 4, người Mỹ gốc Phi chiếm 30% số bệnh nhân Covid-19 được xác nhận trên cả nước, trong khi ở một số nơi, tỷ lệ tử vong của người Mỹ gốc Phi thậm chí còn cao bất thường so với tỷ lệ dân.
Chẳng hạn, tính đến ngày 20/4, 81% ca tử vong do Covid-19 được ghi nhận tại quận Columbia là người da đen. Tỷ lệ dân số da đen của quận này là 46,4%. Hay tại Illinois, người da đen chiếm 14,6% tổng dân số, nhưng 41,4% những người đã chết vì Covid-19 ở bang này là người da đen. Tại Wisconsin, 36% số ca tử vong Covid-19 là ở những người da đen - những người chỉ chiếm 4,6% dân số. Tại quận Milwaukee của Milwaukee, nơi tách biệt nhất ở Mỹ, 26% dân số và 81% tử vong vì Covid-19 là người da đen.
Tính chung, gần 1/3 số người đã chết ở Mỹ là người da đen, cao hơn nhiều so với tỷ lệ người da màu trong dân số là 13%. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc rõ ràng không "vô tội".
Joseph P. Williams, biên tập viên cao cấp của US News World Report giải thích rằng, phần lớn người Mỹ gốc Phi đang sống bằng nghề lao động tay chân và chủ yếu là các công việc lương thấp, bắt buộc họ phải đi làm cả trong thời gian hạn chế, khiến họ có nguy cơ nhiễm virus cao hơn.
Cục Thống kê Lao động Mỹ báo cáo hôm 8/5 rằng, nước này đã giảm 20,5 triệu việc làm trong tháng 4 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên chưa từung thấy, ở mức 14,7%. Trong số đó, 16,7% là người Mỹ gốc Phi và 18,9% là người Latinh, cả 2 nhóm phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực giải trí và khách sạn, đã mất 77% công việc khi đi lại gần như dừng lại.
Ngay cả trước đại dịch, lao động Mỹ gốc Phi đã có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất toàn quốc, ở mức 6,5%, tiếp theo là người gốc Tây Ban Nha ở mức 4,5%, người châu Á ở mức 3,2% và người da trắng ở mức 3,1% - theo dữ liệu quý IV năm 2018 từ Viện Chính sách kinh tế Hoa Kỳ.
Nhiều chuyên gia và nhà hoạt động thừa nhận rằng, phân biệt chủng tộc đã trở thành một vấn đề mang tính cấu trúc nơi hệ thống kinh tế, ăn sâu vào xã hội, tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng của nước Mỹ - quốc gia hiện đang dẫn đầu thế giới cả về số người nhiễm và tử vong vì Covid-19.
Đáng chú ý, CGTN hồi tháng 4 từng trích dẫn chính sách "tái định tuyến" nổi tiếng ở Mỹ nhằm giải thích nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao cho người da màu tại quốc gia này.
Theo thông lệ, cơ quan đầu mối cho vay sở hữu nhà của Mỹ (HOLC), được thành lập vào những năm 1930 bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt để đối phó với tình trạng thiếu nhà ở sau Đại suy thoái, đã phân lập rạch ròi các khu phố "chủ yếu màu đen" và "chủ yếu màu trắng".
Chính sách tách biệt này đã dẫn đến việc các ngân hàng từ chối cho vay đối với người Mỹ gốc Phi vì giá trị tài sản của các khu phố toàn người da trắng sẽ giảm nếu họ có hàng xóm da đen. Do đó, người da đen hiếm khi có thể sở hữu tài sản trong các khu phố được kỳ vọng sẽ tăng giá trị.
Và di sản này cứ thế được truyền lại cho nhiều đời sau đó, khi phần lớn mọi người đều sống trong những ngôi nhà nhiều thế hệ giống nhau, khiến cho sự chênh lệch xã hội càng trở nên vững chắc. Nhiều người Mỹ da đen phải thuê căn hộ trong các khu dân cư đông đúc và thiếu thốn điều kiện vệ sinh.
Công việc không ổn định, điều kiện sống nghèo nàn khiến các vấn đề sức khỏe khác tác động đến người da đen ở Mỹ một cách không tương xứng với tỷ lệ dân số, đặc biệt là các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và bệnh tim.
Từ đó để thấy, các cuộc biểu tình xảy ra lúc này ở ít nhất 30 TP trên khắp nước Mỹ không chỉ là một cuộc nổi dậy nhất thời vì sự bất công đối với một người da màu, mà sâu xa là phản ứng đối với các vấn đề kinh tế và xã hội khác tại quốc gia này, hiện đang bị trầm trọng thêm bởi đại dịch.
"Không thể thở được" vì thất nghiệp, nghèo đói và bất bình đẳng, cái chết của George Floyd có lẽ chỉ là giọt nước tràn ly.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần