Báo động tình trạng đổ trộm phế thải ở phường Khương Đình

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phế thải xây dựng, rác thải… qua nhiều tháng đổ chất cao thành núi gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, tình trạng đổ trộm vẫn diễn ra ngang nhiên khiến người dân khu vực bức xúc. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại “than” khó trong việc xử lý?. Đó là thực trạng đang diễn ra tại khu vực hồ đầm Hồng, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Phế thải đổ chất thành… núi
Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của người dân sinh sống gần đầm Hồng (phường Khương Đình) về tình trạng rác thải, phế thải xây dựng bị một số đối tượng dùng xe tải, xe bò chở đổ tràn lan ra khu vực cuối ngõ 207, phố Bùi Xương Trạch. Theo đó, từ nhiều tháng qua phế thải đã chất thành núi, với số lượng lên đến hàng nghìn khối đổ trên diện tích đất nông nghiệp. Kéo theo đó là hàng trăm m2 đất trồng rau, trồng hoa đang tiếp tục bị vùi lấp.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã xuống hiện trường tìm hiểu. Theo chân một người dân sinh sống gần đầm Hồng qua con đường gồ ghề nhớp nháp bùn đất chúng tôi đến bãi đất trống gần đầm với đủ các loại rác đổ bừa bãi 2 bên. Đi sâu vào bên trong khoảng 200m, ngay trước mắt là cả núi phế thải cao đến 4 - 5m.
Lượng phế thải đổ chất cao như núi ở cuối ngõ 207 phố Bùi Xương Trạch.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Th. (người dân khu vực) bức xúc: “Vấn nạn đổ trộm phế thải diễn ra rầm rộ từ 1 - 2 năm trở lại đây. Trước đó, khu vực cạnh đầm Hồng, khu đất trống được giao cho Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, để thực hiện dự cải tạo đầm Hồng, họ nạo vét bùn, đất từ lòng hồ đổ lên. Tuy nhiên, lợi dụng việc này phía đơn vị cũng đổ tràn lan phế thải sang khu đất bên cạnh. Tuy nhiên, thời gian qua, khu đất trồng rau, hoa màu của người dân lại tiếp tục bị vùi lấp bởi phế thải xây dựng, rác thải từ nhóm người có “máu mặt” tại khu vực này”.
Cũng theo người dân, tại “bến đổ” phế thải này, ban ngày chỉ vài ba xe bò, xe máy đổ trộm. Còn ban đêm là những xe tải lớn chở rầm rầm vào đổ. “Hiện nay, có một số đối tượng “bảo kê” cho việc đổ phế thải tại đây. Vì con đường dẫn vào bãi đất trống này chỉ độc đạo có con ngõ 207 Bùi Xương Trạch, do đó nếu phát xe ô tô lạ vào đổ thì các đối tượng đã ngăn chặn ngay từ đầu ngõ. Vào ban đêm, những xe tải đã được bảo kê lại ngang nhiên hoành hành”, một người dân cho biết.
Quan sát của phóng viên cho thấy, diện tích bãi đất trống bị phế thải vùi lấp lên đến hàng nghìn m2. Ngay bên cạnh “núi” phế thải là một số lều lán, nhà cấp bốn được dựng lên. Phía trong có 3 - 4 chiếc xe tải đỗ, theo người dân thì chính là những chiếc xe vào buổi tối lại hoạt động chở đất phế thải từ các nơi về đổ tại đây. Cùng với tình trạng núi phế thải “mọc” lên, cư dân xung quanh phải chịu mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Những bãi rác nhân tạo chạy dài ven bờ trở thành nơi tập trung của đủ các loại phế thải: Từ rau quả thối, túi nilông, bao bì, vải vóc cho đến đất cát, phế thải xây dựng… ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của người dân.
Có hay không ai đó “bảo kê”?
Trước tình trạng phế thải xây dựng, rác thải đổ tràn lan vùi lấp diện tích đất nông nghiệp nêu trên, người dân khu vực đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền quận Thanh Xuân, thế nhưng đến nay vụ việc vẫn không được xử lý, thậm chí, vấn nạn đổ trộm vẫn tiếp tục diễn ra.
Liên quan đến việc đổ trộm phế thải nêu trên, trao đổi với phóng viên, ông Chu Xuân Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình cho biết: Tại khu đất cuối ngõ 207 phố Bùi Xương Trạch, lối đi vào khu đầm Hồng là khu vực giáp ranh với phường Định Công, quận Hoàng Mai và phường Khương Trung, lại sát với Nghĩa trang phường Khương Đình, có diện tích khoảng 10.000m2.
Khu vực này chủ yếu là đất nông nghiệp đã được HTX giao cho xã viên từ năm 1989, đến nay vẫn do xã viên tự quản lý. Hầu hết đất nông nghiệp không thể sản xuất do hệ thống tưới tiêu đã bị san lấp. Người dân không còn nguồn thu do sản xuất nông nghiệp nên có nhu cầu chuyển đổi. Hiện nay, có một số hộ trồng rau và hoa cảnh.
Diện tích hàng trăm m2 đất nông nghiệp bị phế thải vùi lấp.
Đặt vấn đề về việc hiện nay cả núi phế thải đổ trộm lãnh phường có biết hay không và cách xử lý như thế nào? Ông Sơn thừa nhận có tình trạng phế liệu, rác thải đang đe dọa đến môi trường và diện tích khu vực đầm Hồng. Phó Chủ tịch phường Khương Đình cũng cho biết: Mặt bằng tại khu vực này, trước đó đã được bàn giao cho chủ đầu tư là Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, để thực hiện dự cải tạo đầm Hồng từ cuối tháng 12/2015. Phần bùn đất, rác thải từ khu đất trống sát đầm trước đó được đơn vị thi công múc lên chất đống, đến nay họ đã vận chuyển đi nhiều.
Đối với “núi” phế thải đang hiện hữu, ông Sơn cho rằng Phường đã có văn bản chỉ đạo lực lượng công an phường để ngăn chặn, xử phạt trong thẩm quyền. “Phường đã phối hợp với các lực lượng chức năng vào cuộc nhưng, việc giải quyết xử lý tình trạng đổ trộm phế thải gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng không thể trực 24/24. Phường cũng tuyên truyền cho người dân, khi phát hiện thì báo cho lực lượng công an đến lập biên bản xử lý… Để giải quyết vấn đề đổ trộm phế thải phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành”, ông Sơn nói.
Cũng trao đổi với phóng viên về tình trạng kiểm soát, xử lý đổ trộm phế thải, Thượng tá Nguyễn Văn Chiến - Trưởng Công an phường Khương Đình cho biết: Công an phường nhiều lần kiểm tra và đã từng bắt quả tang các đối tượng đổ trộm phế thải. Có những xe máy, xe bò họ chở phế thải qua rồi khi vắng người là vứt xuống. Việc bắt quả tang cũng rất khó khăn vì lực lượng mỏng.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: Người dân cho rằng có một số đối tượng đứng ra “bảo kê” cho hoạt động xe tải đổ trộm phế thải tại khu vực cuối ngõ 207, dẫn đến tình trạng diễn ra trong một thời gian dài và phế thải chất thành núi? Thượng tá Chiến nói: Đúng là phế thải đổ trộm chất rất cao, nhưng chúng tôi đã kiểm tra nhiều lần và chưa phát hiện trường hợp nào bảo kê, nếu phát hiện có trường hợp bảo kê thì xử lý nghiêm(?!). Đối với hoạt động xe tải vào đổ trộm, năm 2016 công an phường đã bắt xử lý 3 trường hợp. Công an phường cũng đang đề xuất lắp camera để theo dõi phòng ngừa chống tình trạng đổ trộm phế thải.
“Để giải quyết vấn nạn đổ trộm phế thải, có thể giao khu đất trống cho một đơn vị cụ thể quản lý. Từ đó, họ có trách nhiệm rào chắn và trông coi. Đồng thời, cơ quan chức năng cần phải quy hoạch bãi tập kết vật liệu, phế thải để người dân có nhu cầu thì tập kết tại đó và giao cho một đơn vị cụ thể thu gom vận chuyển đúng quy định”, Thượng tá Chiến đưa ra đề xuất.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Một số hình ảnh phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ghi lại về tình trạng phế thải đổ tràn lan ở gần đầm Hồng, phường Khương Đình:
Đường mòn dẫn vào  bãi đổ phế thải cũng tràn lan rác.
 
Lối dẫn lên núi phế thải vẫn hằn rõ vết bánh xe tải lớn.
 
Phế thải chất cao như núi nhưng chính quyền lại... kêu khó trong việc bắt quả tang và xử lý?
 
Đứng trên núi phế thải mới thấy tình trạng đổ trộm vùi lấp phế thải khủng khiếp như thế nào.
Những nhà tạm lều lán ngang nhiên mọc lên trên đất nông nghiệp và là nơi để xe tải chờ đêm xuống lại hoạt động đổ trộm?
Một khu đất được dựng cọc bê tông, quây dây thép gai cạnh bãi phế thải.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần