Báo động tình trạng nhiều người bị ong đốt

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp thời gian gần đây, nhiều trường hợp là người lớn và cả trẻ nhỏ bị ong đốt phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm. Do vậy, bên cạnh việc tự phòng tránh khỏi bị ong đốt thì mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về sơ cứu khi bị ong tấn công.

Cấp cứu cho sản phụ bị ong đốt tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ. 
Nhiều trường hợp nguy kịch 
Từ đầu tuần đến nay có hai trường hợp bị ong đốt phải nhập viện cấp cứu, trong đó có một thai phụ đang mang thai ở tuần 36. Kể về ca cấp cứu cho thai phụ Vũ Thị Kim Huệ (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) bị ong đốt vào chiều 2/9, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Hùng Vương Phạm Văn Học cho biết, khi bác sĩ đến nơi, chị Huệ đang ở giai đoạn tiền hôn mê, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, phổi có tiếng thở rít và bắt đầu rối loạn ý thức. Xác định bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc phản vệ rất nặng, các bác sĩ đã cấp cứu theo phác đồ của Bộ Y tế, song tình trạng sốc phản vệ vẫn tiếp tục có chiều hướng xấu hơn. Do tác dụng của thuốc cấp cứu, thai nhi 36 tuần tuổi đã rơi vào tình trạng xấu. Vì vậy, sau khi hội chẩn nhanh, chị Huệ được mổ lấy thai khẩn cấp khi chưa kịp làm bất cứ xét nghiệm nào. Rất may, hiện nay sức khỏe của cả hai mẹ con đều tiến triển tốt.

Gần đây nhất, ngay trong buổi chiều khai giảng năm học mới 5/9, em Nguyễn Văn Phong (8 tuổi, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) trong lúc đi săn ong vò vẽ đã bị ong đốt nhiều vết dẫn đến tình trạng khó thở, nước tiểu đỏ, men gan tăng, rối loạn đông máu khi đến cấp cứu tại Trung tâm y tế Nghĩa Đàn. Rất may, sau khi được hồi sức tích cực, cháu bé đã ổn định sức khỏe.

Cách đây mấy hôm, tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cũng đã điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc do ong đốt, biến chứng suy đa phủ tạng. Bệnh nhân đầu tiên là bà N.T.H (47 tuổi, huyện Kim Bảng, Hà Nam). Trước đó, bệnh nhân đi lấy củi thì bị đàn ong vò vẽ tấn công với hơn 50 nốt trên khắp cơ thể. Bệnh nhân được chuyển đến từ BV Đa khoa tỉnh Hà Nam trong tình trạng suy thận cấp, vô niệu hoàn toàn, vỡ hồng cầu và rối loạn đông máu. Sau gần một tháng điều trị tích cực, bệnh nhân đã tiến triển tốt song vẫn đang phải dùng thuốc lợi tiểu và theo dõi tình trạng suy thận cấp.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân H.V.T. (23 tuổi, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) hiện đang được điều trị tích cực. Theo gia đình bệnh nhân, chiều 19/8 khi đang lấy củi trong rừng thì T. bị đàn ong vò vẽ tấn công với khoảng 70 nốt trên khắp cơ thể, tập trung vào đầu, hai cánh tay, bả vai, lưng,… Sau một tuần điều trị, bệnh nhân vẫn có biểu hiện viêm thận, viêm tụy cấp, suy tạng. Phụ trách Trung tâm Chống độc Nguyễn Trung Nguyên cho biết, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 3 - 4 ca do ong đốt, một vài trường hợp trong số đó đã tử vong.

Không cố nặn, ép vết đốt

Lý giải nguyên nhân về những trường hợp bị ong đốt thời gian qua, bác sĩ Nguyên cho rằng, thời điểm chuyển mùa như hiện nay, ong sinh sôi nhiều. Người dân có thể vô tình hoặc cố ý đụng vào tổ ong nên bị tấn công. Tùy loài ong mà nọc độc ít hay nhiều. Có loại gần như không độc như ong mật nhưng cũng có loại gây chết người chỉ với vài vết đốt như ong vò vẽ, ong đất, ong bắp cày, ong bầu...

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, khi bị ong tấn công, người dân cần tìm chỗ tránh. Đặc biệt, không vung tay xua đuổi ong loạn xạ, bởi như vậy càng thu hút số lượng ong tới nhiều hơn. Sau khi bị ong đốt, người bị nạn cần rửa sạch các vết đốt bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng; đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề khoảng 15 - 20 phút có thể giúp giảm đau và giảm phù nề. Trường hợp nạn nhân thấy mệt nhiều, tay chân lạnh, da nổi ban, nước tiểu đỏ, tiểu ít, khó thở,... là bị ngộ độc nặng. Trong trường hợp này, người nhà phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất điều trị. Tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền nhanh trong cơ thể. Tuyệt đối không dùng tay nặn, ép lấy ngòi vì có thể làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần