Báo động tình trạng phô trương di tích

Minh Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức xúc trước một loạt công trình tín ngưỡng xây mới trở thành phong trào, như Chùa Khúc Thủy (Thanh Oai), Hương nghiêm pháp đường (Mỹ Đức)… tại hội thảo “Thực trạng và xu hướng kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng xây mới” do Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức mới đây, nhiều kiến trúc sư, nhà phê bình lý luận đã lên tiếng khá gay gắt.

Ồ ạt xây mới
Cả nước hiện nay có khoảng hơn 26.000 cơ sở thờ tự gồm chùa, đền thờ, nhà thờ và các nơi thờ tự khác. Bên cạnh các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng tiếp tục kế thừa hình thức truyền thống, thì rất nhiều công trình mới có ngôn ngữ, kiến trúc hiện đại. Trong đó có thể kể đến chùa Khúc Thủy, công trình Hương nghiêm pháp đường trong quần thể di tích chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Khai Nguyên (Hòa Bình), chùa thiêng Thác vàng (Thái Nguyên)…

Chùa Khúc Thủy (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) - một trong những công trình sai phạm xây mới điển hình. Ảnh: Linh Anh

Theo PGS.TS. Nguyễn Vũ Phương – Trưởng Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, trong khoảng 10 năm gần đây sau khi được “cởi trói”, phong trào xây dựng các công trình tôn giáo đã diễn ra rầm rộ trên cả nước. Các công trình tín ngưỡng tôn giáo được xây mới có hiện tượng sa đà vào chủ nghĩa hình thức, phô trương, sao chép vốn cổ, xem nhẹ bố cục bên trong. Ví dụ như chùa Khúc Thủy là di tích xếp hạng cấp quốc gia nhưng giờ đây, các Phật tử không còn nhận ra đâu là công trình có dấu ấn nghìn năm bởi phần lớn là công trình xây mới, sơn thếp vàng chóe. Tượng to, tượng bé xếp thành hàng dài bao quanh chùa. Không chỉ tượng Phật, tượng quan âm (ngoại lai), mà còn cả những sư tử đá án ngữ ngay cửa Tam Bảo. Với tên gọi Hương nghiêm pháp đường, nhưng thực chất là công trình nhà khách của chùa. Một công trình sừng sững gồm: Nhà ăn, hội trường, nơi lưu trú cho phật tử cũng như du khách đến chùa thể hiện sự phô trương mọc lên giữa khu vực một di tích. Ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), cảm nhận chung của du khách là việc du ngoạn bên những công trình tôn giáo kỷ lục hơn là cảm giác thanh tịnh như một ngôi chùa truyền thống. Có thể nói, việc cơi nới các hạng mục di tích, hoặc phô trương hóa đã phần nào làm mai một bản sắc văn hóa đã được khẳng định, đặt ra những thách thức trong quản lý kiến trúc, xây dựng.

Lai căng kiến trúc

Về bản chất, các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng xây mới thường có những chức năng thêm vào so với mô hình gốc. Điều này cần thiết và dễ hiểu là để đáp ứng các nhu cầu thời đại, song kết hợp gia giảm các chức năng cũ – mới này với nhau ra sao cho nhuần nhuyễn không phải nơi nào cũng làm được. Ở Hương nghiêm pháp đường trước khi chỉnh sửa, GS Trần Lâm Biền khẳng định: “Hình đầu rồng được trang trí tại tòa nhà ba tầng này là một sự pha tạp, phía đằng sau của con rồng chắp vá lung tung. Cái vòi của con rồng là vòi voi, bên dưới lại là mũi sư tử đều không có trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Mặc dù nghệ thuật tạo hình thời nhà Mạc có cả vòi và mũi nhưng ở dưới mồm của đầu rồng lại không có mang và trên đầu không thể có lông mao của thời nhà Nguyễn”. Những kiến trúc này không ăn nhập với chùa Thiên Trù, tháp chuông…

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi tại sao lại có sự sai lệch, chắp vá, lai căng từ quy mô, hình thức đến chất phủ và màu sắc. Đơn cử việc xây dựng trong thời gian qua, quy mô các quần thể văn hóa tâm linh như Bái Đính, Yên Tử… với kích thước vượt tầm thước phổ biến, nhưng cũng không thể ngăn chặn hoặc có ai chịu trách nhiệm. Các vi phạm ở chùa Khúc Thủy, chùa Hương… sai phạm cũng chỉ bị nhắc nhở, yêu cầu chỉnh sửa, việc sửa sai qua loa, rồi lại cho tồn tại. Thế mới thấy, hiện tượng xây mới các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng đang bị bỏ ngỏ. Trước khi có sự thống nhất của cơ quan văn hóa với các cơ sở tôn giáo, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng – Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng, trùng tu di sản cần bài bản, khoa học, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân, thực sự làm phong phú thêm kho kiến trúc tôn giáo của dân tộc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần