Báo động vaccine giả, lừa đảo “ăn theo" Covid-19

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 và làm giả giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 đang là hồi chuông báo động về tình trạng lừa đảo trong đại dịch với những hệ lụy khó lường.

Xinhua cho biết, cơ quan chức năng Trung Quốc hôm 2/2 đã bắt giữ 80 người và tịch thu 3.000 liều vaccine Covid-19 giả, trong chiến dịch đặc biệt nhằm triệt phá tội phạm liên quan vaccine. Các nghi phạm đã sản xuất và bán vaccine giả từ tháng 9 năm ngoái và hoạt động tại nhiều TP.
Gần đây xuất hiện nhiều trang web giả của các các hãng dược phẩm lớn sản xuất vaccine Covid-19 như Moderna hay Pfizer-BioNTech rao bán vaccine.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn các nguồn nói rằng các nghi phạm còn âm mưu bán vaccine giả ra nước ngoài và chiến dịch điều tra được tiến hành tại nhiều nơi, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải và Sơn Đông. Nhằm đối phó với tình trạng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân khẳng định, Bắc Kinh sẽ tiếp tục trấn áp tình trạng sản xuất và lưu hành vaccine giả, đồng thời lưu ý nước này sẽ phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật trên thế giới để ngăn chặn việc phân phối vaccine giả. Trước đó cũng có nhiều cảnh báo trên thế giới về thị trường “chợ đen” vaccine ngừa Covid-19
Người phát ngôn của Europol Jan Op Gen Oorth nói với DW: “Đây là một quy luật không có gì đáng ngạc nhiên. Khi nhu cầu đã gia tăng đột biến về vaccine ngừa Covid-19 chắc chắn sẽ có thị trường "chợ đen" xuất hiện”. Thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều trang web giả của các các hãng dược phẩm lớn sản xuất vaccine Covid-19 như Moderna hay Pfizer-BioNTech rao bán vaccine. Nhiều tập đoàn dược phẩm đã có thông báo khẳng định chỉ bán vaccine cho các chính phủ và sẽ không có vaccine bán online.
Bên cạnh nỗi lo về vaccine giả, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cũng vừa cảnh báo về tình trạng bán chứng nhận giả kết quả âm tính Covid-19 nhằm trục lợi. Trong thông báo đưa ra hôm 2/2, Europol cho biết, tình trạng này đang gia tăng khi nhiều nước châu Âu buộc hành khách phải trình giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi nhập cảnh từ các khu vực có nguy cơ cao. 
Theo Europol, các băng nhóm lừa đảo có thể tạo ra các giấy tờ giả mạo có chất lượng cao nhờ những ứng dụng công nghệ rộng rãi như các máy in chất lượng cao và nhiều phần mềm khác nhau. Europol đưa ra cảnh báo trên sau khi cơ quan này bắt giữ một số nghi phạm bán các giấy chứng nhận giả âm tính SARS-CoV-2 tại các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan. Cuối năm 2020, cảnh sát Pháp đã triệt phá một đường dây làm giả giấy chứng nhận tại sân bay Charles de Gaulle, thủ đô Paris (Pháp), với giá khoảng 150-300 euro/tờ (tương đương 181-362 USD). Cũng theo Europol, một băng nhóm lừa đảo tại Anh bị bắt quả tang bán giấy giả xét nghiệm Covid-19 với giá 100 bảng Anh (khoảng 137 USD) với giấy tờ giả mạo của một phòng thí nghiệm thật.
Nick Parfitt - chuyên gia đánh giá nguy cơ tại Anh nhận định, mạng lưới này có cơ sở tại nhiều nước: “Hiện có các mạng lưới ngầm cung cấp đầy đủ các giấy chứng nhận giả âm tính với Covid-19 để có thể lên máy bay. Mạng lưới này không chỉ hoạt động tại Anh mà còn có mạng lưới trên toàn cầu”. Trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm mới virus SARS-CoV-2 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều băng nhóm tội phạm đã tận dụng những kẽ hở để lừa đảo gây nhiều mối nguy hiểm cho xã hội và khiến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 toàn cầu trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Nguyễn Phương
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần