Báo động về trẻ hóa tội phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tượng thanh thiếu niên phạm tội đang có xu hướng gia tăng, với những tội phạm nghiêm trọng như giết người, cướp của, vận chuyển ma túy…

Đây là thực trạng đáng báo động trong việc giáo dục văn hóa, lối sống và nhận thức cho giới trẻ.

Gia tăng trẻ vị thành niên gây án

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra những vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng gây hoang mang dư luận. Điều đáng nói, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và hành vi phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Mới đây, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã bắt 3 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Tâm (trú tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn); Đỗ Văn Hiếu (xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn) và Nguyễn Tuấn Hải (xã Trung Thành, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) về hành vi “cướp giật tài sản”. Đang ở độ tuổi 16 - 17, nhưng các đối tượng này đã gây ra nhiều vụ cướp giật tài sản trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Trong đó, Tâm và Hiếu đã được gia đình tổ chức đám cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn. Sau khi lấy nhau, cặp vợ chồng tuổi “teen” không có công ăn việc làm nên thường xuyên đi cướp giật tài sản của người đi đường.
Ba đối tượng (từ 16-17 tuổi) gây ra hàng loạt vụ cướp tài sản trên địa bàn Hà Nội đã bị Công an quận Hoàng Mai bắt giữ tháng 6-2015. Ảnh Đạt Lê.
Ba đối tượng (từ 16-17 tuổi) gây ra hàng loạt vụ cướp tài sản trên địa bàn Hà Nội đã bị Công an quận Hoàng Mai bắt giữ tháng 6-2015. Ảnh Đạt Lê.
Một ngày sau khi bắt giữ nhóm cướp giật tài sản do vợ chồng Tâm - Hiếu cầm đầu, thì tại thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn tiếp tục xảy ra án mạng nghiêm trọng. Nạn nhân là Nguyễn Anh Minh (16 tuổi, ở thôn Thạch Lỗi), bị Đỗ Văn Việt (17 tuổi, ở cùng thôn) đâm chết tại quán bia do mâu thuẫn cá nhân.

Trước đó, ngày 7/7, vì trả thù tình, Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) đã ra tay tàn độc, thảm sát 6 nạn nhân trong gia đình người yêu cũ ở huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).

Đâu là nguyên nhân?

Thực tế cho thấy, nhiều vụ trọng án giết người tàn bạo mà hung thủ là những người có tuổi đời quá trẻ. Tội phạm trẻ hóa giờ đây không còn là câu chuyện pháp luật, mà là chuyện của mỗi gia đình. Những vụ án chấn động xã hội thời gian qua chính là hồi chuông báo động sự giáo dục văn hóa, lối sống và nhận thức cho giới trẻ mà dường như trong cuộc sống hiện đại đang dần lãng quên.

Theo các điều tra viên, nếu như trước đây, các thanh thiếu niên phạm tội chủ yếu liên quan đến các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hoặc trộm cắp tài sản với mức độ ít nghiêm trọng, thì nay tính chất, mức độ và hành vi ngày càng nguy hiểm, manh động, tàn bạo như giết người, cướp giật tài sản. Việc trẻ hóa tội phạm thời gian gần đây, phần lớn do sự buông lỏng quản lý con em từ phía các gia đình. Đặc biệt, trẻ vị thành niên thiếu sự chăm sóc, quan tâm của gia đình trong việc giáo dục nhân cách, lối sống, pháp luật dẫn đến sống buông thả, dễ phạm pháp. Nhiều trẻ phạm trọng tội bắt nguồn từ việc ảnh hưởng xấu của xem phim bạo lực, các trò chơi thiếu lành mạnh tràn lan trên internet...

Nghiên cứu các vụ án do thanh thiếu niên phạm tội, luật sư Phạm Hồng Sơn (Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Sơn) cho rằng, gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con người nói chung và đối tượng phạm tội nói riêng. Nhiều vụ án mang tính bạo lực, trong đó có cố ý gây thương tích và giết người, phần lớn tội phạm xuất thân từ những gia đình thiếu phương pháp giáo dục. Chính sự nuông chiều của gia đình, khuyến khích con cái sớm hưởng thụ đã vô tình khiến trẻ không có định hướng về phương pháp sống, dễ dàng sa ngã khi không được đáp ứng. Hiện nay, nhiều gia đình vì mải làm ăn mà quên đi sự chăm sóc, quản lý con cái, dẫn đến những đứa trẻ trở nên cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Khi các em không được giao tiếp trong gia đình, sẽ tìm đến mạng xã hội hay những kênh thông tin khác, và vô tình bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu ngoài xã hội. Vì vậy, các gia đình cần tăng cường giáo dục đạo đức, rèn luyện các kỹ năng hiểu biết pháp luật, kỹ năng sống cho trẻ. Cùng với sự chung tay góp sức của gia đình - nhà trường - xã hội với những chương trình giáo dục, giải pháp để quản lý, định hướng cho trẻ sống lành mạnh ngay trong giai đoạn bước vào đời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần