Báo động vi phạm bản quyền phần mềm

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thói quen sử dụng phần mềm “lậu”, miễn phí… là nguyên nhân khiến hàng trăm nghìn máy tính ở Việt Nam bị dính mã độc, nhiều thông tin nhạy cảm của người dùng bị đánh cắp.

Hậu quả nhãn tiền
Chia sẻ tại Tọa đàm “DN Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi)” tổ chức ngày 18/4, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT) Nguyễn Trọng Đường cho biết, tình trạng mất an toàn thông tin đáng báo động của Việt Nam hiện nay có nguyên nhân chủ yếu do người dùng vẫn giữ thói quen sử dụng phần mềm không bản quyền. Sử dụng phần mềm lậu tạo điều kiện cho mã độc lây lan nhanh, còn nhớ hồi tháng 5/2017, mã độc mã hóa dữ liệu WannaCry đã lây nhiễm và phá hủy dữ liệu của gần 130.000 máy tính chỉ trong vòng 2 ngày. Chưa hết, máy tính người dùng dễ dàng bị chiếm quyền điều khiển khi sử dụng phần mềm bẻ khóa, hoặc bị biến thành công cụ đào tiền ảo, bị lây nhiễm mã độc khi truy cập vào các trang cung cấp phần mềm bẻ khóa…
 Kỹ sư làm việc tại Viện Nghiên cứu thiết kế, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Khảo sát riêng về hiện trạng an toàn thông tin trong DN của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cũng cho thấy, hệ thống thông tin trong DN là rất đáng lo ngại: Mật khẩu yếu, nhận thức về an toàn thông tin kém, kỹ năng kém, chủ DN vẫn “lơ là” với vấn đề bảo mật…

Năm 2017, VNCERT ghi nhận có hơn 13.000 sự cố tấn công mạng vào các trang web của Việt Nam. Riêng 2 tháng đầu năm 2018 cũng có khoảng 1.500 sự cố tấn công mạng vào các trang web của Việt Nam.

Rõ ràng, sự thờ ơ đối với vấn đề bảo mật thông tin, thói quen và tư duy “tiết kiệm” khi dùng phần mềm bất hợp pháp đã đặt các DN và các tổ chức, cơ quan nhà nước vào mối nguy hiểm, bị tấn công mạng bất kỳ lúc nào. “Các DN cần dùng phần mềm hợp pháp để đảm bảo an toàn cho chính mình” – ông Đường khuyến cáo.

Phạt nặng các vi phạm bản quyền phần mềm

Theo Phó Chánh Thanh tra, Bộ VHTT&DL Trần Văn Minh, bản quyền phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, với việc Bộ luật Hình sự năm 2015 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, trong đó có Điều 225 với nhiều quy định xử phạt nghiêm khắc đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm chống lại tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong đó có bản quyền phần mềm máy tính.

Trước đây, theo Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì tội phạm này được quy định tại Điều 170a, theo đó cơ quan chức năng có thể khởi tố khi người vi phạm thực hiện hành vi với quy mô thương mại, tuy nhiên, không có hướng dẫn thế nào là quy mô thương mại, gây khó khăn cho quy trình tố tụng, xử lý bằng biện pháp hình sự với tội danh này.

Tuy nhiên, Điều 225 đã nêu rõ từng số tiền cụ thể và căn cứ vào đó, cơ quan chức năng có thể định khung và định hình phạt khi thực hiện đấu tranh với hành vi vi phạm này. “Với những hình phạt nghiêm khắc được quy định trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi lần này, tôi cho rằng đã đến lúc các lãnh đạo DN cần phải gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm tại DN mình, và có hành động kịp thời, để tránh những tổn thất nặng nề về uy tín, tài chính cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của DN nếu một ngày các hành vi vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện” - ông Minh nói.

Thanh tra Bộ VHTT&DL cũng cho biết thêm về kết quả thanh tra bản quyền phần mềm năm 2017. Theo đó, Thanh tra Bộ đã thực hiện quyết định thanh tra 63 DN, kiểm tra 2.472 máy tính, trong đó có 54 DN có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, xử lý vi phạm hành chính là 1,65 tỷ đồng. Riêng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ tiếp tục tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 DN, xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần