Bao giờ hết kiểu làm du lịch... ăn xổi?

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giống như những năm trước, suốt 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, hầu hết các điểm du lịch trên cả nước đều xảy ra tình trạng quá tải, rác thải ngập tràn.

Đó là bởi giờ đây, đi du lịch đã trở thành nhu cầu tất yếu của nhiều người, các điểm đến đều tung ra nhiều chương trình hấp dẫn khởi động cho mùa du lịch hè 2017. Đồng thời, các điểm vui chơi, giải trí còn thiếu, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu…

Bãi biển chật cứng

Nếu như năm ngoái, sự cố môi trường biển khiến du khách quay lưng với vùng biển các tỉnh miền Trung dịp 30/4, 1/5 cũng như suốt mùa hè, thì những ngày qua, nơi đây khách đông như “rắc vừng”. Tại Thừa Thiên - Huế, mỗi ngày, có hàng ngàn người đổ xuống các bãi tắm. Ở Quảng Trị, các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Đông Hà cháy phòng từ ngày 29/4 – 1/5. Tại Quảng Bình, trung bình mỗi ngày có khoảng gần 4.000 người đến 2 bãi biển Nhật Lệ và Bảo Ninh (TP Đồng Hới). Điều đặc biệt, tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các bãi biển Hà Tĩnh, nơi được coi là vùng lõi sự cố môi trường biển một năm trước. Ban Quản lý khu du lịch biển Thiên Cầm cho biết, bình quân mỗi ngày khu du lịch này đón hơn 7.000 du khách, tăng gấp 6 lần so với năm 2016.

Bãi biển Nha Trang đông nghịt người dịp 30/4. Ảnh: Minh Phúc

Theo bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế ITC: “Du lịch biển miền Trung khởi sắc trở lại là do thông tin nước biển an toàn đã được các cơ quan chức năng khẳng định bằng những số liệu, minh chứng cụ thể và được truyền thông đưa tin rầm rộ. Một năm qua, chính quyền địa phương cùng các DN du lịch đã cùng bắt tay mở nhiều tuyến, điểm tham quan hấp dẫn và chương trình kích cầu hợp lý. Cùng với đó, hiệu ứng từ bộ phim “Koong: Đảo đầu lâu” cũng thu hút du khách đến Quảng Bình… Tất cả đã dẫn lối cho các “thượng đế” về với khu vực biển miền Trung”.

Và dịp nghỉ lễ năm nay, không chỉ biển miền Trung, mà các khu, điểm du lịch miền Bắc cũng quá tải. Tại Hạ Long, chỉ trong ngày 1/5, đã có 800 chuyến tàu xuất bến đi thăm vịnh theo giờ và nghỉ đêm với hơn 20.000 lượt khách. Các bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cát Bà và Đồ Sơn (Hải Phòng) cùng nhiều bãi biển khác kém nổi tiếng hơn ở các tỉnh này cũng đông kín du khách. Ngay cả biển Quất Lâm và Thịnh Long (Nam Định) dù không được ưa chuộng cũng quá tải dịp này.

Quá tải khắp nơi

Dù du lịch biển là sự lựa chọn hàng đầu của các “thượng đế” mỗi dịp 30/4, 1/5, nhưng tại các điểm đến ở miền núi và TP cũng hút khách không kém. Dạo quanh các khu vui chơi giải trí tại Hà Nội, nơi nào cũng đông đúc. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ từ 29/4 - 2/5, Hà Nội phục vụ 289.480 lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 54.080 lượt khách, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016, khách quốc tế có lưu trú đạt 38.628 lượt khách. Tổng thu từ du lịch đạt 867 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê, trong 3 ngày từ 29/4 - 1/5, lượng khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám đạt 20.835 lượt khách. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đón 5.085 lượt khách. Các điểm du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì đón trên 100.000 lượt khách. Đền Ngọc Sơn đón 15.888 lượt khách có thu phí. Lăng Bác đón khoảng 70.000 lượt khách. Đặc biệt, Chùa Hương ước tính đón 21.304 lượt khách trong 4 ngày nghỉ lễ.
 Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) chiều 30/4 ken đặc người.  Ảnh  Hoàng Việt

Tại Sa Pa (Lào Cai), du khách xếp hàng đông nghịt đi cáp treo Fansipan. Trong bốn ngày nghỉ lễ, có khoảng 70.000 lượt khách đến phố núi Sa Pa. Các khách sạn tại Hội An, Đà Nẵng giá phòng tăng 20 - 100%, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu do đợt nghỉ lễ trùng với sự kiện bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017. Trong khi đó, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) lượng khách tăng đột biến khiến các dịch vụ luôn trong tình trạng quá tải. Lợi dụng khách đông, nhu cầu mua sắm lớn, “cò” du lịch xuất hiện, thậm chí sử dụng biện pháp cưỡng chế đối với cái lái xe, ép họ đưa khách vào các điểm bán đặc sản, quà lưu niệm đã ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch “TP tình yêu”. Giá phòng khách sạn và các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí ở đây cũng tăng lên từ 50 - 200% so với ngày thường. Tình trạng này xảy ra tương tự ở hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa (Lào Cai), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang)…

Do nhu cầu tất yếu

Lý giải hiện tượng biển miền Trung đã tấp nập trở lại nhưng hầu hết các khu, điểm du lịch trên cả nước vẫn quá tải, ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Hanoitourist cho biết: “Nếu như trước đây, chỉ những gia đình khá giả mới nghĩ tới chuyện du lịch, thì thời gian gần đây, du lịch đã trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người, mọi nhà. Mạng xã hội phát triển, kéo theo trào lưu chụp ảnh, đăng tải hoạt động cá nhân cũng kích thích giới trẻ và người dân Việt Nam đi du lịch nhiều hơn. Trong khi đó, các khu, điểm du lịch mới chưa đáp ứng được nhu cầu phát sinh. Mặt khác, kỳ nghỉ dài 30/4 - 1/5 được xem là mùa du lịch cao điểm, chỉ đứng sau dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nên dẫn đến hiện tượng quá tải ở nhiều nơi”.

Đó là điều dễ hiểu, tuy nhiên, điều đáng buồn là, khi có sự kiện đặc biệt, ở hầu hết các điểm đến vẫn xảy ra tình trạng tăng giá dịch vụ bừa bãi gây khó chịu cho du khách. Và không chỉ phải ôm “cục tức” vì bị chặt chém, nhiều người còn vỡ kế hoạch do tắc đường. Nghiêm trọng hơn, hầu hết các điểm đến vẫn phải gánh chịu một lượng lớn rác sinh hoạt quá lớn khiến chính quyền địa phương và đơn vị quản lý phải “kêu trời”. Tại bãi biển Nha Trang, phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh), Công viên Thiên Đường Bảo Sơn, Công viên Thủ lệ (Hà Nội)… mặc dù công nhân vệ sinh làm việc hết công suất nhưng vẫn không gom rác cho xuể.

Nhìn toàn cảnh bức tranh du lịch Việt Nam 4 ngày qua, nhiều chuyên gia buồn rầu bởi cơ sở hạ tầng của ngành du lịch Việt Nam quá kém, quản lý du lịch cũng chưa tốt. Lâu nay, chính quyền sở tại gần như vẫn quản lý theo kiểu “ngứa đâu gãi đó”. Rút giấy phép kinh doanh chỗ này, người ta lại mở nơi khác như cái vòng luẩn quẩn, nên thiệt thòi vẫn đổ đầu du khách. Vẫn biết, vài năm gần đây, hiện tượng “cả năm mài dao, vài ngày cắt cổ” chỉ còn là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng cách làm du lịch theo kiểu “ăn xổi” vẫn là vấn nạn của ngành du lịch.

Ngay cả đại diện các hãng lữ hành uy tín hàng đầu Việt Nam như Saigontourist và Hanoitourist cũng phải than thở: Nhiều đơn vị kinh doanh ăn uống, khách sạn vẫn vì cái lợi trước mắt nên không giữ chữ tín, khi đơn vị khác trả giá cao hơn liền vi phạm hợp đồng. Cùng với đó, giới chuyên môn cho rằng, để không xảy ra tình trạng quá tải và những hệ lụy cho dịp 30/4, 1/5 năm 2018 và những năm tiếp theo, người dân cần thay đổi quan niệm đi du lịch. Bởi, những dịp nghỉ lễ đặc biệt, giá tất cả các dịch vụ đều tăng cao. Du khách sẽ không được hưởng dịch vụ tốt nhất so với số tiền mình bỏ ra, thậm chí còn tự rước bực mình vào thân vì bị tắc đường, chặt chém… Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng nên xem xét, điều chỉnh số ngày nghỉ dịp này để hạn chế tình trạng quá tải ở các điểm đến.

Mỗi du khách, DN hãy có trách nhiệm, kiên quyết không trả tiền cho những dịch vụ bị đẩy giá lên cao. Nếu bị “chặt chém”, hãy nhanh chóng thông tin cho các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời để vừa đảm bảo quyền lợi cho chính mình, vừa làm đẹp hình ảnh du lịch Việt.

Trương Minh Hương

Phó Giám đốc Chi nhánh Saigontourist tại Hà Nội