Bao giờ toàn dân được tiêm vaccine phòng Covid-19?

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài để phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh nỗ lực sản xuất trong nước, Việt Nam tiếp tục tìm cách nhập khẩu để có vaccine sớm nhất triển khai tiêm chủng cho toàn dân.

Cam kết đủ 110 triệu liều trong năm 2021

Từ ngày 8/3/2021, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 9.79.238 liều vaccine được tiêm cho các đối tượng, theo đúng kế hoạch của Bộ Y tế.

Tối 16/5, thêm 1.682.400 liều vaccine do COVAX Facility tài trợ cho Việt Nam đã được chuyển tới kho lạnh của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại Hà Nội để bảo quản chờ kiểm định. Lô vaccineVaxzevria lần này (trước đây được gọi là vaccine Covid-19 AstraZeneca) do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Lô bổ sung này sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng phạm vi tiêm phòng đến nhiều người ở các nhóm ưu tiên, đồng thời cung cấp liều thứ hai cho những người đã được tiêm liều đầu tiên.
 Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện E ngày 14/5/2021. Ảnh: Phạm Hùng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị ngay kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 3, rà soát tất cả các điểm triển khai tiêm trên địa bàn, trong đó sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực, khẩn trương đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất và đã có khoảng 110 triệu liều vaccine cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021; cụ thể: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ Astra Zeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine theo cơ chế chia sẻ chi phí.

Các nguồn vaccine khác của Moderna, Johnson&Johnson và của các quốc gia như Đức (CureVac), Nga (Spunik V), Trung Quốc (Sinopharm) vẫn đang được Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất với mục tiêu đa dạng hóa nguồn vaccine để phục vụ người dân.

Đảm bảo an toàn trong tiêm chủng

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn về công tác triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các tuyến, đặc biệt là công tác khám sàng lọc và xử trí phản ứng sau tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, các địa phương sẽ càng phải nỗ lực hơn nữa, vừa triển khai công tác phòng chống dịch vừa tổ chức tiêm chủng vaccine với quyết tâm cao sớm đạt được độ bao phủ 2 mũi vaccine cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực với hơn 3 triệu ca tử vong, chúng ta cần chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do đó, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 là hết sức cần thiết để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và để Việt Nam không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như nhiều quốc gia khác trên thế giới”.

Đề cập đến những lo ngại phản ứng sau tiêm vaccine, đặc biệt sau ca tử vong vừa qua do sốc phản vệ với vaccine ngừa Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, phản ứng sau tiêm vaccine là có thể, vì không vaccine nào đảm bảo 100% an toàn. Vì thế, sau khi tiêm vaccine có thể xảy ra phản ứng thông thường cho đến phản ứng bất lợi. Còn theo PGS.TS Hoàng Thị Lâm - Trưởng bộ môn Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ phản ứng phản vệ với vaccine nói chung khá thấp, đặc biệt là sốc phản vệ, ước tính khoảng 1 trường hợp trên 1 triệu liều vaccine. Có nhiều loại vaccine với các công nghệ sản xuất khác nhau, do đó tác dụng không mong muốn cũng không giống nhau giữa các loại vaccine. Phản ứng dị ứng có thể đến từ bản thân thành phần chính của vaccine, nhưng cũng có thể do chất bảo quản hoặc kháng sinh hoặc lượng nhỏ protein còn sót lại trong quá trình sản xuất (ví dụ tế bào phôi). Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng sẽ tăng nguy cơ dị ứng với vaccine hơn so với người bình thường.

Sau khi ghi nhận một số phản ứng đối với người tiêm vaccine tại Việt Nam, Bộ Y tế đã rút ra 3 kinh nghiệm để triển khai tiêm chủng tốt hơn trong thời gian tới. Thứ nhất, tập huấn kỹ hơn về công tác tiêm chủng, đặc biệt khâu xử lý tai biến khi tiêm chủng cho tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã, phải liên tục nhắc đi nhắc lại và cập nhật liên tục. Thứ hai, sàng lọc kỹ hơn cho người tiêm, hỏi kỹ tiền sử bệnh. Thứ ba, Bộ Y tế khuyến cáo các trường hợp có cơ địa dị ứng cần tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại các trung tâm y tế có giường bệnh hoặc tại bệnh viện.

Tiêm đủ 2 liều vẫn có thể bị nhiễm Covid-19

Theo các chuyên gia y tế, vaccine phòng Covid-19 là một trong những tiến bộ của y học ngày nay trước đại dịch đang lan tràn trên toàn cầu. Đây là vũ khí hữu hiệu nhất của nhân loại trong việc phòng và giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Tuy nhiên, dù vaccine có tầm quan trọng trong chiến lược phòng chống dịch của mỗi quốc gia, nhưng các chuyên gia dịch tễ đều khẳng định, chỉ sử dụng vaccine không thể nào phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Và không phải ai tiêm đủ 2 mũi vaccine cũng có thể bảo vệ mình 100% không bị nhiễm virus. Theo tiêu chuẩn của WHO, vaccine chỉ đạt hiệu quả bảo vệ trên 50% đã có thể sử dụng để tiêm. Các vaccine ngừa Covid-19 đang được WHO khuyến cáo cũng như của Mỹ cấp phép sử dụng đều có hiệu quả từ 81 - 97%.

Với vaccine AstraZeneca Việt Nam đang tiêm phòng, báo cáo mới nhất của hãng cho thấy, hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi đầu tiên 22 ngày đạt trung bình 76% và tiếp tục duy trì. Hiệu quả cao nhất tăng lên 82% sau khi tiêm mũi 2 cách mũi đầu tiên 12 tuần. Dù vậy, vaccine này giúp ngăn ngừa 100% các trường hợp tiến triển nặng, nếu mắc bệnh sẽ bị nhẹ, nếu nhập viện không có nguy cơ tử vong. AstraZeneca khuyên khoảng cách giữa 2 mũi tiêm từ 4 - 12 tuần, còn WHO khuyến cáo nên từ 8 - 12 tuần.

Do đó, nếu một người tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 nếu rơi vào nhóm không sinh miễn dịch. Ngoài ra, những vaccine này có ngăn chặn được hết tất cả các biến thể hay không vẫn là một câu hỏi lớn, thách thức lớn cho ngành sản xuất vaccine để theo dõi.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, vaccine là công cụ bổ sung giúp ngăn chặn dịch, nhưng trong bối cảnh nguồn cung đang thiếu hiện nay, không thể trông chờ hoàn toàn vào vaccine. Mỗi người dân cần tuân thủ tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Đây là biện pháp đơn giản, rẻ tiền và sẵn có mà chỉ cần có ý thức, tránh nhiệm với chính mình và cộng đồng, mọi người đều có thể thực hiện.

"Việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đợt 3 tiếp tục được thực hiện với phương châm tiêm đến đâu an toàn đến đó, đảm bảo an toàn và độ bao phủ tiêm chủng." - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long