Bao giờ trẻ hết bất an?

Nguyễn Bùi Tam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện một kẻ giả danh tài xế công nghệ đến lừa đón một học sinh lớp 6 ở Hà Nội hôm 23/6 đã gây xôn xao dư luận. Học sinh này suýt rơi vào tay kẻ xấu nếu người nhà cháu bé không kịp phát hiện, hô hoán. Sau sự việc, lãnh đạo nhà trường đã gửi cảnh báo tới toàn thể phụ huynh, học sinh, yêu cầu giáo viên nhắc nhở học sinh, đồng thời báo sự việc tới cơ quan công an. Mặc dù hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra nhưng hai chữ “bất an” lại được nhiều người nhắc tới trong môi trường giáo dục...

 Ảnh minh họa
Có nhiều ý kiến truy ngược các lớp học kỹ năng ở cơ sở giáo dục. Nào là từ lớp 1, học sinh đã biết đọc số điện thoại của bố, của mẹ. Hay lớp 2, các con đã biết phương án xử trí khi gặp người lạ mặt, đi đến chỗ vắng người thì phải ra sao... Vậy sao một học sinh lớp 6 lại để một kẻ lạ mặt lôi kéo lên xe máy giữa ban ngày? Hoặc có những ý kiến cho rằng, người dân thiếu kỹ năng khi thay vì đứng đó đối chất với kẻ lạ mặt, lẽ ra tổ chức giữ người đó lại và trình báo cơ quan chức năng.
Tất cả những ý kiến này, theo một góc độ nào đó đều có lý lẽ riêng. Nhưng trước hết, xin đừng mang đứa bé mới 12 tuổi ra để hỏi về kỹ năng sống, kỹ năng xử trí tình huống. Cũng xin đừng nói người nhà cháu bé non kinh nghiệm khi còn bình tĩnh đứng đối chất với kẻ xấu. Và, cũng đừng vội lên án ngôi trường chưa chu đáo dạy bảo học sinh. Mọi người đã ai từng nghĩ đến công tác quản lý mô hình kinh doanh công nghệ đã đủ chặt chẽ hay chưa? Mọi người đã từng nghĩ, phải chăng hình phạt với các hành vi bắt cóc trẻ em đủ răn đe hay chưa?
Không ít gia đình do quá bận bịu, không thể tổ chức đưa đón con đến lớp, đành giao phó con mình cho dịch vụ chở thuê và tài xế công nghệ cũng là một phương án của nhiều gia đình. Vậy nên, câu chuyện ở đây chính là lỗi của cả một hệ thống đã thiếu đi sự liên thông. Từ gia đình, nhà trường, thậm chí ngay cả đội ngũ bảo vệ nhà trường cũng chưa làm tốt chức trách của mình.
Rất cần một lần rà soát toàn diện các phương án cảnh báo, các kỹ năng xử trí, các mối liên thông chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng và lớn hơn là hệ thống pháp luật với chế tài đủ răn đe, đủ làm những kẻ xấu phải hoảng sợ nếu có ý định phạm tội, có ý định bắt cóc hay gây hại cho trẻ em. Rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, toàn thể cơ quan hữu quan để nỗi bất an sẽ không còn thường trực trong môi trường giáo dục, để các em học sinh mỗi khi đến lớp, thay vì sợ hãi, sẽ là sự hăm hở gặp gỡ bạn bè, thầy cô và hào hứng mỗi tiết học.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần