Bao giờ Việt Nam có “công nghiệp văn hoá”?

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: Đến bao giờ nhận thức, hành động cụ thể chứ không phải coi văn hoá là "đàn ca, múa hát" không thôi? Bao giờ Việt Nam mới có “công nghiệp văn hóa”?

ĐB Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) nhắc lại, tại các phiên họp trước, đại biểu đã nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa, việc phát triển nền văn hóa Việt Nam. Gần đây, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đã quan tâm hơn tới văn hóa, Thủ tướng luôn quan tâm tới vai trò của văn hóa trong đối nội và đối ngoại. Văn hóa chính là tiền đề quan trọng để đạt được tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018.
 ĐB Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) .
Nhưng, ĐB Nguyễn Quốc Hưng cho biết qua tiếp xúc, cử tri cho rằng đầu tư cho văn hóa, nhất là văn hóa đỉnh cao, văn hóa cơ sở... vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa. Cử tri mong muốn lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cần được quan tâm, đào tạo, đầu tư như trên các mặt trận khác. Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam vẫn còn sơ khai, nhỏ lẻ, đặc biệt chưa khai thác được ở quy mô công nghiệp. "Văn hóa là nguồn lực chiến lực để phát triển đất nước ta trong thế kỷ 21", ĐB nhấn mạnh.
Nhắc lại 2 kỳ họp trước đã nêu vấn đề văn hoá và đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo Chính phủ nội dung này, song ông Nguyễn Quốc Hưng cho biết "đầu tư cho văn hoá, sáng tác, phê bình văn học nghệ thuật vẫn chưa tương xứng; đầu tư ở đây không chỉ bằng tiền, mà cần cả con người, tri thức".
Ông nói thêm, vấn đề đặt ra là nhận thức về vai trò của văn hoá là nền tảng, mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đã đi vào cuộc sống hay chưa? Đến bao giờ nhận thức, hành động cụ thể chứ không phải coi văn hoá là "đàn ca, múa hát" không thôi? Bao giờ Việt Nam mới có “công nghiệp văn hóa”?
Nói tới khái niệm "công nghiệp văn hoá", ĐB đoàn Hà Nội nhìn nhận, ở các nước phát triển đây là ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy đổi mới, củng cố sức mạnh mềm quốc gia... Còn ở Việt Nam, công nghiệp văn hoá mới ở mức sơ khai, nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp, nguồn thu kinh tế từ văn hoá chưa được bao nhiêu.
"Sự thiếu chuyên nghiệp đã làm lãng phí tiềm năng về văn hoá của Việt Nam", ông Hưng nêu.
Hiện nay, văn hóa đi sau các lĩnh vực khác, không được quan tâm một cách đầy đủ, coi là đầu tư mà không có thu. Tuy nhiên, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sáng tạo, tạo hình ảnh quốc gia. “Phải coi đây như một trong những lĩnh vực kinh tế chủ chốt, bởi công nghiệp văn hóa tạo ra nhiều giá trị”, ĐB Nguyễn Quốc Hưng nhấn mạnh.
Tiềm năng văn hóa, kinh tế văn hóa ở nước ta vẫn chưa được khai thác cụ thể. Về du lịch văn hóa cũng chưa được tận dụng để phát triển một cách đúng mực. Do đó, ĐB đoàn Hà Nội đề nghị cần phải quan tâm nhiều hơn đến văn hóa, bởi nó sẽ là nguồn lực quan trọng trong phát triển đất nước.