Bão số 13 có diễn biến khó lường

Thương Huế (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải với báo Kinh tế & Đô thị chiều 10/11. Cũng theo ông Hải, bão Haikui (Hải Quỳ) - cơn bão số 13 xuất hiện vào cuối mùa bão, trong thời gian không khí lạnh liên tục được tăng cường, nên diễn biến sẽ phức tạp.

Thưa ông, người dân miền Trung còn chưa hết bàng hoàng với sự dữ tợn không ngờ của bão Damrey, thì nay lại đang đối mặt với ảnh hưởng của bão Haikui. Ông nhận định như thế nào về cơn bão số 13 này?
-Dự báo, bão Haikui sẽ mạnh dần lên, ngày 11/11, tại khu vực phía Đông quần đảo Hoàng Sa sức gió có thể mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Ngày 12, tại phía bắc khu vực này, sức gió đạt cường độ mạnh nhất. Ngày 13, sẽ có đợt không khí lạnh phía Bắc tràn về nên làm cho cơn bão di chuyển chậm lại và ngoặt về phía Tây Nam và bắt đầu suy yếu dần.
Nhưng đến thời điểm này chưa thể khẳng định được, cơn bão Haikui có đổ bộ vào hay không. Có rất nhiều khả năng cơn bão này sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là áp thấp và ảnh hưởng của cơn bão chỉ là gây mưa cho các vùng ven biển Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không loại trừ, nếu nó không suy yếu đi ngay thì đâu đấy sẽ còn áp thấp nhiệt đới cấp 6. Nhìn chung đây là con bão cuối mùa nên có diễn biến rất phức tạp. Cuối mùa nên thông thường có 2 loại bão khác nhau: Một là cơn bão sẽ đi theo dạng parabol như dạng cơn bão Haiyan năm 2013, đi vào ven biển miền Trung sau quay ngược lên phía Quảng Ninh. Dạng thứ 2 là cơn bão đi vào ven biển miền Trung nước ta bị tác động bởi không khí lạnh nên nó lại bẻ cong xuống phía Tây Nam các tỉnh Trung Trung bộ hoặc Nam Trung bộ, rồi đổ bộ vào đất liền nước ta. Cho đến thời điểm này, chưa thể khẳng định bão Haikui thuộc dạng nào, cong lên hay cụp xuống, rất nhiều khả năng, cơn bão này sẽ tương tác với không khí lạnh khu vực quần đảo Hoàng Sa gây suy yếu, giảm cấp và chuyển thành áp tháp nhiệt đới, gây mưa nhiều ở khu vực miền Trung nước ta.
Vì vậy, bà con các khu vực từ Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cần chủ động phòng ngừa bởi mưa lớn, nhất là vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế có nguy cơ sạt lở.
Thời gian gần đây, việc xảy ra liên tiếp các cơn bão với tính chất phức tạp và diễn biến khó lường, phải chăng do sự tác động về môi trường của con người dẫn đến biến đổi khí hậu hay do nguyên nhân nào khác, thưa ông?.
Cách đây 3 năm liên tiếp, thời tiết ở dạng El Nino khô hạn bất thường, ít mưa ít bão kéo dài và hiện nay lại chuyển sang dạng La Nina mưa, bão nhiều bất thường. Việc thời tiết trong thời gian gần đây trở nên khắc nhiệt hơn, có lúc quá lạnh, có lúc quá nắng, mưa, bão nhiều bất thường,… là biểu hiện rất rõ của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để khẳng định một cách chắn sự tác động của con người đến môi trường dẫn đến các cực đoan về thiên tai khí tượng thủy văn thì cần phải điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, kết luận thật cụ thể. Chỉ ngành Khí tượng thủy văn của chúng tôi thì chưa đủ khả năng để đánh giá hết về tác động nguy hiểm này.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần