Bạo hành ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách trẻ

Hải Lý (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước nỗi bức xúc của dư luận về việc người giúp việc bạo hành trẻ tại Hà Nam, các chuyên gia tâm lý cũng khẳng định, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm lý của trẻ.

ThS Đặng Thị Thanh Tùng - chuyên viên Tâm lý, Trung tâm Kỹ thuật cao điều trị Tự kỷ và bại não, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.

Việc trẻ bị bạo hành sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý sau này như thế nào, thưa bà?

- Về nguyên tắc bất cứ ai, lứa tuổi nào bị bạo hành cũng đều có những ảnh hưởng tâm lý nhất định, chứ không riêng gì trẻ em. Tùy thuộc vào mức độ bạo hành, sự ảnh hưởng sẽ khác nhau. Với trẻ nhỏ, trong 3 năm đầu đời là những năm cần được học tập, quan sát thế giới tự nhiên để phát triển tâm sinh lý và hình thành nhân cách. Vì trong 3 năm này, cùng với sự hoàn thiện đến 75% trọng lượng não bộ, nhân cách của trẻ cũng được hoàn thiện đến 70 - 80 %. Nếu bị bạo hành thể chất nhẹ, trẻ sẽ đau ngoài da, nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng. Còn bạo hành về tinh thần sẽ khiến trẻ mất tự tin, sang chấn tâm lý, dẫn đến ám sợ xã hội, sợ đám đông, không dám giao lưu, cuộc sống luôn bị đầy đọa với những ký ức bị đánh đập, chửi mắng.

Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh có quan điểm “thương cho roi, cho vọt”, nên dùng biện pháp cứng rắn như đánh, mắng. Điều này có nên không?

- Đây là quan niệm sai lầm. Với trẻ, thế giới của con cần được xây dựng là thế giới đúng, có nghĩa là hành xử phù hợp với tình huống và hoàn cảnh. Nhưng đôi khi chính bản thân cha mẹ cũng nóng nảy, không biết kiềm chế cảm xúc của mình. Chỉ cần con làm sai là la hét, mắng chửi, nhiều cha mẹ lấy roi quật con rất đau, điều đó có thể ám ảnh trẻ đến sau này.

Nếu cha mẹ thường dùng roi vọt với con, thứ nhất là chưa thực sự có kỹ năng làm bạn cùng con, đòn roi chỉ thể hiện việc yếu kém trong kiểm soát cảm xúc của chính mình và trong kỹ năng làm cha mẹ. Thứ hai, do cha mẹ cũng chưa học cách để tôn trọng con mình như một cá thể độc lập với đầy đủ quyền về trẻ em. Quan niệm của nhiều người làm cha, làm mẹ vẫn theo lối cổ hủ, mình sinh ra có quyền dạy dỗ theo cách của mình, mà không tạo cho con một cơ hội sống trong môi trường giàu tình thương. Cha mẹ cần có hành vi mẫu mực để con cái học hỏi và hình thành nhân cách đúng đắn.

Đối với những trẻ không may bị bạo hành, việc chăm sóc nên như thế nào, thưa bà?

- Nếu không may bị bạo hành, “sơ cứu” là tối quyết cần thiết. Nếu bạo hành về thể chất chắc chắn cần có giám định y tế để chăm sóc vết thương kịp thời. Khi trẻ bị bạo hành về tinh thần, thì việc “sơ cứu” đầu tiên là bố mẹ, người thân, hãy cùng ngồi lại để xem xét hành vi của bản thân, làm bạn với con ngay khi có thể. Cách tốt nhất là nên đưa trẻ đến các cơ sở về sức khỏe tâm thần, tâm lý để được tham vấn và giúp đỡ tìm “đồng minh”, cùng trẻ bộc lộ cảm xúc, giải quyết vấn đề một cách thấu đáo.

Bà có khuyến cáo gì để phòng ngừa trẻ khỏi bị bạo hành?

- Đến nay vẫn chưa có con số thống kê chính thức về số vụ trẻ bị bạo hành, nhưng chuyện người giúp việc bạo hành trẻ ít xảy ra hơn ở các cơ sở mầm non hoặc các nhóm trẻ. Để phòng ngừa trẻ bị bạo hành, mỗi gia đình cần có ý thức hơn trong việc trông nom con, quan tâm hơn đến những người thường xuyên gần gũi con mình như người giúp việc, cô giáo mầm non. Bởi có thể trong giây phút, hoàn cảnh nào đó họ có nỗi khổ, bệnh lý riêng mà dẫn đến hành vi khó kiểm soát. Nếu có sự chia sẻ nhiều hơn, hiểu nhau hơn sẽ hạn chế được những chuyện đáng tiếc. Việc chống bạo hành ở Việt Nam còn nan giải, cần được mỗi gia đình và xã hội quan tâm hơn. Mọi người cũng nên tố giác những hành vi bạo hành để có sự vào cuộc của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho trẻ em và những người yếu thế trong xã hội

Xin cảm ơn bà!