Bảo hiểm cháy nổ chung cư: Nghĩa vụ của cả đôi bên

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cảnh tượng hàng trăm xe máy, ô tô cháy rụi dưới tầng hầm sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại chung cư Carina Plaza (TP Hồ Chí Minh) đã đánh mạnh vào tâm lý của số đông dân chung cư. Nghịch lý ở chỗ, dù lo lắng nhưng khi đề cập đến việc mua bảo hiểm cháy nổ, nhiều DN hay cư dân vẫn thờ ơ.

 Diễn tập phòng chống cháy tại một chung cư ở quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Không phải chủ đầu tư mua sao?

Đó là câu trả lời dạng nghi vấn của nhiều hộ dân sinh sống tại chung cư trên địa bàn Hà Nội khi được hỏi về việc đã mua bảo hiểm cháy nổ cho khu căn hộ của gia đình. Trong khi nhiều gia đình còn mơ hồ và chưa hiểu hết về ý nghĩa của loại hình bảo hiểm này, không ít trường hợp chủ đầu tư cũng “né” trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho tòa nhà.

Tại Hà Nội, số chung cư mua bảo hiểm hiện mới chỉ đếm trên đầu ngón tay như khu căn hộ cao cấp Royal City, Time City, Keangnam, Mulberry Lane… Thống kê sơ bộ từ các DN bảo hiểm cũng chỉ ra tỷ lệ mua bảo hiểm cháy nổ của cả cư dân và ban quản lý tòa nhà rất thấp, nhất là đối với các khu chung cư bình dân.

Sinh sống ở Khu đô thị Linh Đàm, anh Nguyễn Quang Khải cho biết, hầu hết các hộ dân tại đây đều không biết quy định về bảo hiểm cháy nổ cho đến khi nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra. Thậm chí, thời điểm hiện tại vẫn còn đang tranh luận nên mua bảo hiểm cho phần diện tích riêng hay chung.

Số cư dân sở hữu sổ hồng “tù mù” thông tin về bảo hiểm cháy nổ đã đành, nhóm cư dân đi thuê (ở thời vụ) thậm chí còn tỏ ra… không quan tâm. “Việc mua bảo hiểm là không cần thiết vì chung cư đã được nghiệm thu và có hệ thống, phương tiện PCCC theo quy định. Chẳng lẽ, mỗi lần đi thuê căn hộ mới, gia đình tôi phải đứng ra mua bảo hiểm cháy nổ? Bạn bè tôi thuê trọ ở các tòa tái định cư hay chung cư mới đều khẳng định nếu bắt buộc mua đây là trách nhiệm của chủ nhà” – chị Nguyễn Linh Anh, khách thuê căn hộ tại dự án Eco - Green City (Nguyễn Xiển) phân trần.

Ông Cao Bá Huy - Phó Tổng giám đốc PTI đánh giá, quy định mua bảo hiểm cháy nổ là bắt buộc với chung cư kể từ năm 2003. Vấn này xem như “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng chỉ đến khi "sự đã rồi", tính thời sự của vấn đề mới được bàn luận rôm rả. Thực tế, dù cháy chung cư đang xảy ra với tần suất lớn như hiện tại, không ít các hộ dân vẫn khá thờ ơ trong việc tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm cháy nổ hoặc bảo hiểm thiệt hại vật chất và tai nạn 24/7 cho cả gia đình.

Không thể đá bóng trách nhiệm

Một chủ đầu tư có tiếng ở Hà Nội phân tích, công trình bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ là đúng. Tức là, bảo hiểm đó sẽ đảm bảo quyền lợi cho người dân cả về tính mạng và tài sản. Đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của đôi bên: Chủ đầu tư và cư dân, không thể đá bóng trách nhiệm theo kiểu “đây là phần việc của anh, không phải của tôi”. Về tài sản và tính mạng của mình, người dân phải tự chủ động. Về đạo đức DN cũng như các quy định trước pháp luật, chủ đầu tư chắc chắn không thể chối bỏ.
“Trong khi chung cư vẫn do chủ đầu tư quản lý thì chủ đầu tư phải mua; còn dự án đã bàn giao cho Ban quản trị, Ban quản trị phải chịu trách nhiệm đứng ra mua. Nên vận động để người dân, Ban quản trị các khu chung cư nhận thức được đây là vấn đề an toàn tính mạng, tài sản chung cho toàn xã hội, nên phải mua bảo hiểm cháy nổ” - vị này nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) dẫn số liệu Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, hiện nay trên toàn quốc mới chỉ có 56% cơ sở (tương đương 43.693 đơn vị) có nguy hiểm về cháy nổ đã tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Điều này cho thấy vẫn còn đến 44% cơ sở khác có nguy hiểm về cháy nổ nhưng chưa tham gia bảo hiểm. Thực tế lâu nay, nhiều DN xem nhẹ công tác PCCC và coi đây là chuyện may rủi nên chưa đầu tư đúng mức. Một số đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia vẫn cố tình làm trái quy định, đặc biệt là DN nhỏ. Một số DN lách luật bằng cách mua ghép bảo hiểm cháy nổ vào tài sản kỹ thuật để giảm chi phí.

Ngược với số đông thờ ơ, một bộ phận cư dân, chủ đầu tư đã ý thức được sự cần thiết và trách nhiệm phải tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Đơn cử, tại một khu chung cư cao cấp ở quận Cầu Giấy, trong thông báo gửi cư dân về mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, Ban quản lý tòa nhà phát thông tin sẽ kiên quyết ngừng hoặc yêu cầu nhà cung cấp dừng cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện, nước cùng các tiện ích khác nếu cư dân không mua đúng, đủ sản phẩm bảo hiểm theo quy định.

"Theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, trường hợp cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc mà không mua thì sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với cá nhân và từ 60 - 100 triệu đồng đối với tổ chức. Trường hợp ngược lại, nếu DN bảo hiểm không bán bảo hiểm cho cá nhân, tổ chức đủ điều kiện cũng bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng" - ông Huyền cho biết.
Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc có hiệu lực từ ngày 15/4/2018 quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên sẽ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định này.
Tại buổi làm việc giữa Bộ Xây dựng với Cục Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C66 - Bộ Công an) về phối hợp tăng cường đảm bảo công tác PCCC trong các công trình cao tầng ngày 5/4, cơ quan chức năng thống nhất không hạ chuẩn quy định về PCCC với 17 công trình nhà cao tầng của Hà Nội đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vi phạm các quy định về PCCC của 17 công trình này là những trường hợp rất phức tạp. Đoàn kiểm tra liên ngành được lập của Bộ Công an và Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra cụ thể từng công trình và bàn giải pháp khắc phục cho từng công trình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần