Bảo hiểm nhân thọ tăng tốc: Nơm nớp nỗi lo

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tăng trưởng doanh thu đến 28%, tăng trưởng hợp đồng 27% trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Việt Nam vẫn tiếp tục giữ phong độ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất hiện nay vẫn là chất lượng đại lý bảo hiểm cũng như tình trạng một số đại lý bảo hiểm “chơi game” trục lợi quyền lợi bảo hiểm.

Tư vấn cho khách hàng tại Công ty Bảo Việt Nhân Thọ. Ảnh: Trần Vinh
Bán bảo hiểm qua ngân hàng - “gà đẻ trứng vàng”
Số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường trong 6 tháng ước đạt 48.134 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm cá nhân ước đạt 47.747 tỷ đồng (tăng 27%) và sản phẩm bảo hiểm nhóm ước đạt 387 tỷ đồng (tăng 85%). Về cơ cấu doanh thu theo sản phẩm, sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (49,44%), sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (31,58%).
Sau khi điều tra, phát hiện ra đại lý bảo hiểm tư vấn sai, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng, các công ty bảo hiểm vẫn sẽ bảo đảm quyền lợi cho khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Ngô Trung Dũng

Đáng chú ý, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống là các đại lý, 6 tháng đầu năm 2019, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) vẫn tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng” cho chính các DN bảo hiểm và ngân hàng. Theo đó, tổng doanh thu phí khai thác qua kênh ngân hàng và các tổ chức tín dụng ước đạt 8.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,2% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường.

Về kênh đại lý, số lượng đại lý bảo hiểm mới tuyển dụng trong 6 tháng là 124.502 đại lý, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số lượng đại lý có mặt trên thị trường là 779.614 đại lý, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

“Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng với gần 30%/năm. Với hơn 9,3 triệu hợp đồng đang có hiệu lực (trên tổng số dân 96 triệu người), tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam mới chưa đầy 10%. Điều này cho thấy, tiềm năng của thị trường này còn rất lớn. DN nước ngoài cũng rất quan tâm” - ông Bùi Gia Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm đánh giá.

Đau đầu câu chuyện đại lý

Một trong những yếu tố để nâng cao hiệu quả phát triển của các DN bảo hiểm nhân thọ Việt Nam là câu chuyện nâng cao chất lượng kênh bán hàng đại lý. Trình độ chuyên môn, đạo đức của các tư vấn viên, các đại lý bảo hiểm vẫn là bài toán khiến các DN bảo hiểm đau đầu. “Đâu đó đã có hiện tượng đại lý tổ chức sử dụng những người không được đào tạo, không có chứng chỉ hành nghề đại lý bảo hiểm đi tư vấn, chào bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng, dẫn đến chất lượng dịch vụ không đảm bảo, tư vấn sai, gây ảnh hưởng chung đến hình ảnh thị trường" - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Ngô Trung Dũng cho biết.

Ngoài ra, hiện có tới 8.000 đại lý bảo hiểm trong danh sách đại lý vi phạm do có những sai phạm, không tuân thủ các quy định của công ty bảo hiểm, tư vấn không đầy đủ, không trung thực... dẫn đến tranh chấp quyền lợi bảo hiểm.

Lỗi vi phạm của đại lý bảo hiểm phổ biến là việc cố tình sử dụng giấy tờ tùy thân khác nhau (chứng minh thư, căn cước) hoặc sửa số chứng minh thư (có đại lý bảo hiểm sử dụng 2 - 3 số chứng minh thư để làm cùng một lúc nhiều DN khác nhau); lỗi tài chính, chiếm dụng tiền của khách hàng, của DN bảo hiểm… Các đại lý ngoài việc bị lập danh sách vi phạm, không được các công ty bảo hiểm ký hợp đồng đại lý trong thời gian nhất định, không được hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ còn phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của từng công ty bảo hiểm.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Bảo hiểm, hiện các quy định pháp luật vẫn thiếu để quản lý chặt hơn hệ thống đại lý bảo hiểm. Thực tế, nhiều đại lý bảo hiểm tổ chức được phép hoạt động theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Có những công ty đại lý tổ chức có doanh thu bán bảo hiểm tương đương một công ty bảo hiểm nhỏ. Tuy nhiên, việc chưa có những quy định pháp luật cụ thể về vấn đề hoạt động và quản lý hoạt động của đối tượng này dẫn đến những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý giám sát.

Được biết, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2020 và có hiệu lực vào năm 2021. “Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành năm 2000 và có một lần sửa đổi vào năm 2010. Việc sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp với sự phát triển của thị trường đang là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Hy vọng tới đây, khi luật mới ra đời, những tồn tại của thị trường sẽ được khắc phục để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, tương xứng với tiềm năng…” - đại diện Hiệp hội Bảo hiểm nêu ý kiến.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất nên quy định tư vấn viên bảo hiểm phải tốt nghiệp đại học để tăng hiệu quả và giảm tối đa tranh chấp quyền lợi giữa khách hàng và công ty bảo hiểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần