Bảo hiểm nói gì về vướng mắc trong bảo hiểm tàu cá?

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc từ chối chi trả bảo hiểm cho các tàu cá khai thác vùng khơi nhưng được phân cấp hạn chế III, là do vướng mắc về quy định của pháp luật, không phải từ phía đơn vị bảo hiểm.

 Tàu được hạn chế III trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.
Liên quan đến những tàu cá ở Quảng Ngãi bị vướng mắc khi làm thủ tục chi trả bảo hiểm vì “lệch pha” giữa tàu cá được phép khai thác ở vùng khơi nhưng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá lại là hạn chế 3, ông Ngô Văn Ban - Giám đốc Công ty Bảo Minh Quảng Ngãi khẳng định: “Vướng mắc về quy định của pháp luật chứ không phải từ phía đơn vị bảo hiểm”.
Theo ông Ngô Văn Ban, đơn vị bảo hiểm căn cứ vào giấy tờ của các cơ quan chức năng để bán bảo hiểm. Sự chênh nhau giữa 2 loại giấy tờ, cụ thể là giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản này có thể do sự sai khác trong cách hiểu đối với các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục thủy sản, không xuất phát từ phía Bảo Minh.
"Trong những trường hợp này, đối chiếu giấy tờ thì tàu đã vi phạm vùng khai thác thì đã vướng ngay vào điểm loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm nên ngay lập tức dừng lại. Nếu cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, gỡ được nút thắt này và xác minh lỗi không thuộc về chủ tàu thì phía Bảo Minh tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để xác minh, làm rõ và tiến hành chi trả bảo hiểm cho chủ tàu nếu đảm bảo yêu cầu”, ông Ban nói.
Đối với việc rà soát các thủ tục, giấy tờ trước khi bán bảo hiểm cho chủ tàu, ông  Ngô Văn Ban cho rằng: Đơn vị bảo hiểm chỉ căn cứ trên số giấy tờ theo quy định mà chủ tàu cung cấp, có xác nhận của cơ quan chức năng chứ không có trách nhiệm phải xem xét các loại giấy tờ đó có sai sót hoặc có điểm nào chênh nhau hay không?
 Nhiều tàu cá đang gặp tình trạng chênh giữa giấy phép khai thác và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.
Như báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh, hiện nay có nhiều ngư dân Quảng Ngãi đang gặp khó khăn khi yêu cầu chi trả bảo hiểm cho tàu cá do sự chênh nhau giữa giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản.
Nhiều tàu được phép hoạt động ở vùng khơi- tức vùng biển được giới hạn bởi tuyến lộng (đường cách bờ biển 24 hải lý) và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam; trong khi đó, theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá thì tàu được phân cấp hạn chế III - nghĩa là chỉ được phép hoạt động ở vùng biển hở hạn chế cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 20 hải lý.
Ông Võ Văn Lặt (thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là một trong những trường hợp tiêu biểu. Vào ngày 3/11/2018, tàu cá của ông mang số hiệu QNg- 94069 TS (công suất 330CV) hành nghề lưới kéo ở vùng biển Đà Nẵng thì gặp sự cố và bị chìm.
Khi ông làm thủ tục yêu cầu bồi thường thì “té ngửa” vì bị đơn vị bảo hiểm từ chối với lý do: “Tàu cá hoạt động ngoài phạm vi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.