Báo Kinh tế & Đô thị thực hiện tốt Chỉ thị 25 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Trần Thảo - Ảnh Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/12, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Thành ủy do Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà làm trưởng đoàn đã khảo sát tại báo Kinh tế &Đô thị về việc thực hiện Chỉ thị 25-CT/TU, ngày 15/11/1997 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí - xuất bản Hà Nội”.

Điểm lại những bước phát triển của báo Kinh tế & Đô thị trong gần 20 năm qua, Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh: Thực hiện Chỉ thị 25-CT/TU, Báo đã có những chuyển biến tích cực, từng bước hiện đại hóa theo kịp với xu thế phát triển chung báo chí trong nước và quốc tế. Báo Kinh tế & Đô thị đã khẳng định vị thế trong lòng bạn đọc, nâng cao đời sống cho cán bộ, phóng viên, người lao động.
“Từ năm 2010 đến nay, báo Kinh tế & Đô thị không chỉ tiếp tục nâng cao về chất lượng nội dung, tăng tính hấp dẫn mà còn mở rộng thêm nhiều loại hình báo chí, đáp ứng những thay đổi trong cách tiếp cận thông tin của bạn đọc", Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức nói.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà phát biểu tại Hội nghị.
Ngoài ra, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cũng thông tin thêm, đến nay cùng với tờ báo in (16 trang) xuất bản 6 kỳ/tuần, báo còn có báo Kinh tế và Đô thị điện tử tại địa chỉ: www.ktdt.com.vn; www.kinhtedothi.vn; trang thông tin đối ngoại www.hanoitimes.com.vn; chuyên trang Tiêu dùng www.tieudung.vn; Chuyên đề Nội thất 1 kỳ/tháng. Một số văn phòng đại diện cũng đã được mở tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Báo cũng từng bước mở rộng quan hệ với hợp tác, trao đổi nghiệp vụ với nhiều tờ báo trong nước và một số tờ báo nước ngoài như Lào, Thái Lan…

Theo Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức để xây dựng báo Kinh tế & Đô thị phát triển ổn định, đáp ứng ngày tốt hơn yêu cầu của thời kỳ mới, hiện nay, báo Kinh tế & Đô thị cũng như nhiều cơ quan báo chí khác đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm về số lượng báo in, ảnh hưởng tới việc thực hiện tự chủ theo chỉ đạo của TP; thị phần quảng cáo ngày càng bị thu hẹp và có sự cạnh tranh quyết liệt; trang thiết bị phục vụ phóng viên tác nghiệp còn hạn chế,…
Thời gian tới, báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục bám sát chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước và TP Hà Nội, định hướng tuyên truyền của TP; từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, phóng viên, biên tập viên; đẩy mạnh phát triển báo điện tử; có sự phối kết hợp với các Bộ, Ban, ngành, các DN… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế báo chí… Để khắc phục hạn chế, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, Ban Biên tập báo Kinh tế & Đô thị rất mong nhận được sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục, kịp thời của TP, sự ủng hộ, quan tâm thiết thực của các cơ quan chức năng, các Sở, Ban, ngành của TP…

Đánh giá cao những bước phát triển vượt bậc của báo Kinh tế & Đô thị trong thời gian qua, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà cho rằng: Báo Kinh tế & Đô thị đã bám sát tôn chỉ mục đích, đáp ứng được nhu cầu tuyên truyền của TP cũng như của bạn đọc. “Đây là tờ báo sạch, luôn đảm bảo đúng định hướng, thông tin khách quan, tích cực, phản ánh đúng nguyện vọng của Nhân dân”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà khẳng định.

Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà cũng lưu ý, nội dung của báo cần tăng tính phản biện hơn nữa; thông tin cần có tính phát hiện sớm hơn, nhanh nhạy, sáng tạo, không theo lối mòn. Cùng với đó, cần đầu tư và phát triển hơn nữa cho báo điện tử. “Đặc biệt, Báo cần tiếp tục đi sâu vào mảng kinh tế và đô thị, cần triển khai ngay quy hoạch phát triển báo chí đến năm 2030, tăng cường siết chặt các văn phòng đại diện…”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà đề nghị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần