Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm “Phòng, chống rác thải nhựa Nhìn từ câu chuyện chính sách”: Gỡ nút thắt về chính sách

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/9, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách”. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, DN, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường đã đưa ra nhiều ý kiến bàn thảo nhằm tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, giúp nâng cao hiệu quả giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn TP.

Hiệu quả bước đầu
Theo Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) Mai Trọng Thái, sau gần một năm thực hiện kế hoạch của TP, phong trào phòng, chống rác thải nhựa đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, toàn bộ cơ quan, đoàn thể, đơn vị trực thuộc UBND TP không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong quá trình hoạt động tại công sở, tổ chức họp, hội nghị, hội thảo...
Nội dung này được các sở ngành, đơn vị nghiêm túc thực hiện; Sở Tài chính Hà Nội không bố trí và duyệt nguồn vốn ngân sách cho việc mua chai nước nhựa phục vụ tại cuộc họp, hội thảo. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương kêu gọi các siêu thị, cửa hàng cam kết không sử dụng bao bì túi nilon, chuyển dần sang dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường...
 Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Duy Khánh
Đặc biệt, để không bị lãng phí tài nguyên và góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, Sở TN&MT, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Công ty CP Tetra Pak Việt Nam, Công ty CP Lagom Việt Nam cùng một số đơn vị tái chế triển khai chương trình thu gom, phân loại, tái chế vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2019.
Đến nay, đã có 19/30 quận, huyện, thị xã đăng ký tham gia chương trình và duy trì thu gom vỏ hộp sữa tại 803 trường học. Tổng khối lượng vỏ hộp sữa thu gom được tại các trường học tham gia chương trình đến tháng 7/2020 là 244.061kg, tương đương khoảng 25 triệu vỏ hộp.
“Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Tại Kế hoạch số 232/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, cơ bản các nội dung triển khai thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tường Chính phủ. Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu TP để phong trào phòng, chống rác thải nhựa đạt kết quả tốt nhất” - ông Mai Trọng Thái cho biết thêm.
Đánh giá hiệu quả từ những chính sách mà TP Hà Nội đưa ra về phòng, chống rác thải nhựa, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, từ việc làm rất nhỏ khi các cơ quan, đơn vị tại Hà Nội không sử dụng chai nhựa một lần trong cuộc họp nhưng đã thể hiện được hiệu quả hoạt động điều hành của TP Hà Nội. Hành động phải xuất phát từ chính các cơ quan, đơn vị của TP mới thiết thực.
“Bên cạnh đó, từ những chính sách đã tác động rất lớn sự thay đổi nhận thức của người dân. Như tôi quan sát, người dân khi đi chợ đã chủ động mang theo đồ đựng để tránh sử dụng túi nilon tại chợ” – PGS.TS Bùi Thị An cho biết.
Còn nhiều vướng mắc
Thực tế cho thấy, trong cuộc chiến nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn TP vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Đầu tiên, do thói quen của người dân khó thay đổi trong một thời gian ngắn bởi sự tiện lợi cũng như giá thành của túi nilon rẻ. Ngoài ra, các sản phẩm thân thiện với môi trường còn chưa được bán phổ biến tại các cửa hàng tiện ích.
Không những vậy, thời gian gần đây, một số đơn vị thu gom rác tại chỗ, trong đó có rác thải nhựa, chọn giải pháp đốt sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và vi phạm quy định trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý.
Theo ông Phạm Cao Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị (Urenco), người có hành vi đốt rác tại khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. “Với mức xử phạt này đối với các tổ chức, cá nhân vẫn chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, việc thực thi xử lý các vi phạm chưa triệt để khiến cho tình trạng này vẫn tiếp diễn” – ông Phạm Cao Thắng nhìn nhận.
Hiện nay, nhiều DN vì lợi nhuận sẵn sàng nhập nguyên liệu tái chế từ nước ngoài, đây là vật liệu độc hại từ các nước đổ sang Việt Nam với giá rẻ. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có chính sách tăng thuế với sản phẩm nhựa, qua đó nâng cao giá thành đối với nilon và cấm nhập vật liệu này, bởi ảnh hưởng của nó tới sức khỏe con người là không đo đếm được.
Từng bước tháo gỡ
Nhìn nhận cơ chế, chính sách là “1 trong 3” nhóm giải pháp lớn cần tích cực triển khai để giảm thiểu rác thải nhựa, các đại biểu đề xuất phải có hệ thống cơ chế, chính sách, cụ thể hóa định hướng kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là đồng bộ từ nỗ lực đến thu gom – phân loại – tái chế, tái sử dụng chất thải đến cơ chế, chính sách khuyến khích những công nghệ “biến rác thải thành tài nguyên”. Theo PGS.TS Bùi Thị An, hiện nay, các nhóm giải pháp đang được tích cực triển khai để giảm thiểu rác thải nhựa. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của cơ quan quản lý và người được giao thực hiện phải làm quyết liệt, thường xuyên, đến cùng thì mới giải quyết được vấn đề.
Với góc độ là DN cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường, ông Phạm Cao Thắng cho rằng, ngoài việc chỉ đạo quyết liệt từ phía chính quyền, cần sự tham gia vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội đoàn thể, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực từ phía người dân. Cùng đó, các chính sách hỗ trợ về thuế xuất, mặt bằng, trợ giá đối với các hoạt động xử lý rác tái chế mà thị trường không thể điều tiết được… sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động phân loại – thu gom – tái chế - tái sử dụng rác hiệu quả.
Đồng quan điểm này, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, việc luật hoá nghĩa vụ của các DN trong việc thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa khó phân hủy mà DN sản xuất là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chính sách cần đồng bộ, có đánh giá về ảnh hưởng đối với DN sản xuất có sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy. Do vậy, những DN thay đổi công nghệ cần có sự trợ giúp của Nhà nước thông qua chính sách ưu đãi thuế hoặc Nhà nước có thể hỗ trợ kinh phí mua công nghệ về lĩnh vực này từ nước ngoài để áp dụng cho DN trong nước.
Hiện nay, để đẩy mạnh việc thu gom, tái chế rác thải nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy, UBND TP giao cho các sở, ban, ngành trong thời gian tới nghiên cứu việc đầu tư các điểm thu gom chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy từ hoạt động sinh hoạt. Từ đó, xây dựng mạng lưới các đơn vị thu gom, tái chế... tạo chu trình khép kín giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa phát sinh. Đầu tư nhà máy thu gom, tái chế chất thải nhựa theo chu trình tuần hoàn.
"Công tác thu gom là giai đoạn quyết định thành công, vì vậy phải xây dựng từng lộ trình, kế hoạch cụ thể. Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở TN&MT Hà Nội sẽ thực hiện các mô hình thí điểm thu gom, phân loại rác thải tại một số nơi như công sở, nơi làm việc, các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nhà ga, bến xe…" - ông Mai Trọng Thái cho biết.

"Theo Kế hoạch số 232/2019/KH-UBND, UBND TP giao cho các sở, ban, ngành trong thời gian tới nghiên cứu việc đầu tư các điểm thu gom chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy; xây dựng mạng lưới các đơn vị thu gom, tái chế những loại rác thải này nhằm tạo chu trình khép kín, giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa phát sinh; đầu tư nhà máy thu hồi, tái chế chất thải nhựa theo chu trình tuần hoàn... " - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần