Bạo lực núp bóng di sản lễ hội

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều hành động bạo lực, tàn sát động vật đang tồn tại trong các lễ hội của Việt Nam, dù bị lên án nhưng chưa thể chấm dứt, đó là khẳng định của Tổ chức Động vật châu Á trong buổi tọa đàm duy trì nghi lễ hiến sinh trong các lễ hội để bảo tồn nền văn hóa, chiều 4/11

Đề nghị dừng lễ hội chọi trâu
Ông David Neale - Giám đốc Phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á vừa có thư gửi Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Giám đốc Sở VH&TT TP Hải Phòng, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn đề nghị chấm dứt lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vì an toàn của cộng đồng và đảm bảo tuân thủ quy định của Nhà nước. Không phải vì mùa lễ hội 2017, lễ hội này xảy ra sự cố trâu húc chết chủ, mà ông David Neale bày tỏ việc sử dụng động vật trong lễ hội liên quan đến phúc lợi động vật và sự an toàn cho cộng đồng. Cụ thể, “Các hoạt động trong lễ hội như huấn luyện, chọi trâu và giết mổ sau trận đấu là hoàn toàn không phù hợp với định hướng phát triển một nền văn hóa Việt Nam văn minh, tiên tiến” – ông David Neale khẳng định.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. Ảnh: Thanh Hà

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản cấp quốc gia, nhưng khi xét công nhận, các nhà nghiên cứu văn hóa xác định giá trị ở nhiều góc độ khác như nghi lễ trình diễn dân gian, lễ cúng, tế…, không đơn thuần chỉ là hình ảnh chiến đấu giữa 2 con trâu. Lễ hội diễn ra đã thu hút hàng triệu du khách về Đồ Sơn. Tuy nhiên cũng theo ông David Neale, lễ hội để lại nhiều trải nghiệm tiêu cực cho các du khách khi đến thăm TP. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người chứng kiến hay thực hiện hành vi bạo hành động vật sẽ có xu hướng bạo lực với những cá nhân khác trong cộng đồng. “Chúng tôi đề nghị quý cơ quan hợp tác cùng chấm dứt Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vì an toàn của cộng đồng và đảm bảo tuân thủ quy định của Nhà nước. Chúng tôi mong muốn được gặp Quý cơ quan và các đơn vị có liên quan trong thời gian tới để có thể trao đổi sâu hơn về vấn đề này” - ông David Neale đề nghị.

Nhiều nghi lễ hiến sinh đã được loại bỏ

Tổ chức Động vật châu Á từng nêu ý kiến bảo vệ thành công phúc lợi động vật, giúp các nhà quản lý định hướng thay đổi nhiều hành động bạo lực của lễ hội Việt Nam như: Lễ hội Cầu Trâu (Phú Thọ), lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh). Cách đây 3 năm, lễ hội Cầu Trâu gắn với hình ảnh 12 thanh niên sức vóc thay phiên nhau dùng búa đập vào đầu con trâu cho đến khi con trâu ngã gục. Dân làng quan niệm con trâu quay về hướng nào thì ban phước cho dân làng hướng đó. Lễ hội này mới được khôi phục và được tổ chức thường niên vào đêm mùng 9, rạng sáng mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Còn ở lễ hội chém lợn Ném Thượng (Bắc Ninh), những “ông ỉn” sau khi được chăm sóc trong một năm được mang ra giữa sân đình chém đứt đầu, làm thịt cúng các vị thần vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm.

Đến nay, 2 lễ hội này đều đã thay đổi hình thức tổ chức, không còn dùng búa đập đầu trâu đến chết, hoặc chém lợn máu bắn tứ tung giữa hàng trăm người mà đập trình diễn bằng búa cao su và chém kín đáo. Nhưng để đi đến sự thống nhất này là một cuộc đấu tranh rất lớn giữa dân làng và nhà quản lý. Rất nhiều chuyên gia và nhà quản lý văn hóa lặn lội về huyện Tam Nông, Phú Thọ thuyết phục bà con thay đổi nghi lễ trình diễn; hoặc năm 2016, trước mùa lễ hội Ném Thượng cũng là những cuộc vận động ngày đêm của cán bộ địa phương với dân làng.

Dưới sự lên tiếng của Tổ chức Động vật châu Á, nhiều lễ hội đã thay đổi nghi thức thành công. Chỉ duy Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, dù một lần xảy ra thương tích cho người (2006) và một lần húc chết chủ (2017) nhưng vẫn được phép tổ chức. Đại diện Tổ chức Động vật châu Á cho rằng, không thể để những hành động bạo lực núp bóng di sản lễ hội tồn tại, và hy vọng hình ảnh bạo lực tại lễ hội này sẽ không còn trong năm 2018.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần