Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo Pháp đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Nhân chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, báo L’Humanité (Nhân đạo) của Pháp số ra cuối tuần ngày 23/3 đã dành cả trang 22 trong chuyên mục thế giới để đăng bài viết với tiêu đề “Việt Nam đã vượt qua tình trạng kém phát triển” đánh giá cao những thành tựu kinh tế và chiến lược quốc tế thời gian qua của Việt Nam.

Bài báo dẫn trao đổi của phóng viên Clément Arouet với ông Hoàng Bình Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, chiến lược của Việt Nam trong hội nhập khu vực và quôc tế, sau 30 năm tiến hành Đổi mới, đã đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng kém phát triển để gia nhập nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Vai trò, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược, các nước lớn cho an ninh và phát triển của đất nước.
Bài viết về kinh tế Việt Nam trên báo L’Humanité.
Về mục đích chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ông Hoàng Bình Quân cho biết: “Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao nhất của Việt Nam tới Pháp trong 13 năm qua. 
Đây là cơ hội để điểm lại quá trình hợp tác giữa hai nước, đánh giá các tiềm năng và định hướng để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược được ký năm 2013. Pháp là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, trao đổi thương mại hai chiều năm 2017 ước đạt 4,62 tỷ đô la và Pháp đang đón nhận 7.000 sinh viên Việt Nam nghiên cứu, học tập tại Pháp. 
Quan hệ song phương cũng được thúc đẩy trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, tư pháp, hành chính, hải quan, quốc phòng, an ninh cũng như hợp tác phi tập trung.”
Ông Hoàng Bình Quân cũng trao đổi với phóng viên Clément Arouet về vấn đề biển Đông và nhấn mạnh: “Vấn đề tranh chấp biển Đông liên quan chủ yếu tới hai chủ đề chính. Vấn đề lãnh thổ và chỉ liên quan tới các quốc gia và vùng lãnh thổ có tuyên bố chủ quyền. Các tranh chấp liên qua tới 2 quốc gia thì cần được giải quyết song phương, trong khi các tranh chấp liên quan tới nhiều bên thì cần được các bên liên quan trao đổi. Vấn đề là cần phải đảm bảo tự do và an ninh hàng hải, hàng không, gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực. ASEAN và Trung Quốc đã thông qua đề án khung về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) và chúng tôi hy vọng cam kết đàm phán sẽ đi đến đích sớm. 
Vấn đề biển Đông là một vấn đề do lịch sử để lại trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Việt Nam liên kết một cách quan trọng với những mối quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; lãnh đạo hai đảng và hai nước đã nhiều lần trao đổi thẳng thắn quan điểm và đã đạt được nhận thức chung quan trọng. Hai bên cần phải thực hiện nghiêm túc các cam kết đã đưa ra, đặc biệt là Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, nỗ lực tìm kiếm giải pháp tổng thể và bền vững trong khi tôn trọng các lợi ích hợp pháp của mỗi bên và phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Về sự hỗ trợ của Pháp đối với Việt Nam trong xử lý vấn đề chất độc da cam, ông Hoàng Bình Quân chia sẻ: “Việt Nam là quốc gia bị ô nhiễm nhất trên thế giới bởi bom mìn. Việt Nam đã tiến hành điều tra, thiết lập bản đồ khu vực bị ảnh hưởng trên toàn quốc. 
Trong giai đoan 2010-2015, mỗi năm Việt Nam đã làm sạch được hơn 50.000ha đất và đặt mục tiêu làm sạch được 800 nghìn héc-ta trong giai đoạn 2016-2025. Theo số liệu của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, vẫn còn gần 1 triệu trên tổng số 3 triệu người bị nhiễm chất độc này. Tổng nguồn vốn hỗ trợ mỗi năm là 700 triệu USD. Hiện có 176 trung tâm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam đang hoạt động, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tạo công ăn việc làm cho những người còn khả năng lao động. 
Tuy nhiên, sự hỗ trợ này còn rất hạn chế so với số người bị ảnh hưởng. Loại bỏ các hậu quả của chất độc da cam đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của Việt Nam và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của Pháp trong lĩnh vực nghiên cứu và hợp tác y tế. Ngay từ những năm 1970, các nhà nghiên cứu Pháp đã tổ chức các hội thảo chuyên đề về sản phẩm hóa học và hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Việt Nam mong muốn các chuyên gia Pháp tiếp tục các nghiên cứu về các đột biến di truyền cũng như phương pháp điều trị cho các nạn nhân trong những thế hệ khác nhau”.