Bão số 3: Chưa ghi nhận thiệt hại lớn, nhưng không chủ quan với mưa lũ sau bão

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/8, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã họp đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác ứng phó với bão số 3 và chỉ đạo ứng phó với tình hình mưa lũ trong thời gian tới.

Đại diện Tổng cục Phòng, chống thiên tai dự báo tình hình mưa những ngày tới.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành báo cáo công tác triển khai ứng phó với bão số 3. Đánh giá cho thấy, các đơn vị đã triển khai nghiêm túc theo nhiệm vụ được phân công. Trong đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị tuyến biển, cùng với các địa phương kiểm soát, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản; di dời, đảm bảo an toàn dân cư ở các đảo. 
Các đơn vị vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất. Đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho toàn bộ tàu thuyền vào nơi trú tránh bão. Các bộ, ngành cũngđã cử lãnh đạo tham gia các Đoàn công tác của Ban chỉ đạo.
Công tác triển khai, ứng phó bão số 3 được đánh giá là đồng bộ, nghiêm túc, từ các lực lượng của T.Ư đến các địa phương. Trong đó, công tác đảm bảo an toàn cho người dân, tàu thuyền, lồng bè, đặc biệt thông tin truyền thông kịp thời tới chính quyền cơ sở và người dân. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận được các thông tin thiệt hại đáng kể.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới trong những ngày tới. Đối với khu vực đồng bằng và đô thị: Đảm bảo công tác phòng chống ngập úng bảo vệ sản xuất, triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị.
Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp 
Tăng cường kiểm tra công tác an toàn đê điều, hồ đập nhất là các công trình đang thi công, chủ động vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du trong đó lưu ý các hồ thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi.
Đối với khu vực miền núi: Rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, bố trí lực lượng thường xuyên canh gác, kiểm tra hướng dẫn người dân, các phương tiện giao thông tại các khu vực ngầm tràn, tuyến đường các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt đồng thời cắm các biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở.
Đối với tuyến biển: Theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đớiđể quyết định bỏ lệnh cấm biển; khôi phục đời sống, sản xuất của nhân dân. Kiểm tra các công trình ven biển, phát hiện và khắc phục kịp thời các hư hỏng do bão gây ra.
Bên cạnh đó, thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; sẵn sàng cử các đoàn công tác kiểm tra công tác an toàn miền núi tại các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, trong đó chú trọng công tác thông tin truyền thông tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.