Bão số 9 với cường độ mạnh cấp 7 đổ bộ vào đất liền

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưa nay (25/11), bão số 9 đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp.

Đường đi và vị trí bão số 9.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 9, ở Phan Thiết, Vũng Tàu đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to cho khu vực Trung Bộ (200 - 300mm).

Trong 3 giờ qua, bão số 9 hầu như ít di chuyển và có cường độ suy giảm. Hồi 10 giờ ngày 25/11, vị trí tâm bão số 9 ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90km.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5 - 10km, như vậy trưa nay sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 25/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở ngay trên khu vực biên giới các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Lực lượng bộ đội hỗ trợ chằng chống nhà cửa cho người dân tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: TRÍ NHÂN
Sáng 25/11, TP Bà Rịa và TP Vũng Tàu đã có mưa nặng hạt, gió càng lúc càng mạnh hơn. Các tuyến phố ven biển vắng người. Lực lượng chức năng dùng ô tô rảo qua các khu phố để phát thông tin cảnh báo bão đến người dân, du khách.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Tại TP Hồ Chí Minh: Ngày và đêm nay (25/11) có mưa rất to (100 - 200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt.

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8 giật cấp 10. Biển động mạnh. Sóng trên biển cao từ 2-4m, vùng gần tâm bão cao 4-5m. Ven biển từ Vũng Tàu tới Cà Mau đề phòng nước biển dâng cao do triều cường kết hợp với nước dâng do bão.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió giật cấp 6 - 7. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.

Ảnh mây vệ tinh bão số 9. Ảnh Nchmf

Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50 - 100mm.

Từ đêm nay (25/11) đến đêm 27/11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50 - 80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80 - 150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100 - 200mm/ngày).

Cảnh báo lũ: Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2 - 3.

Thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng bão số 9 tại TP Phan Thiết

Theo Báo Bình Thuận, sáng nay (25/11), tại một số vùng ven biển TP Phan Thiết đang có mưa khá lớn, trời âm u, sóng biển cao. Ông Nguyễn Nam Long - Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết cho biết: Do ảnh hưởng bão số 9, gây sóng lớn ở các vùng biển trên địa bàn. Đặc biệt tại một số vùng xung yếu như thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành đã tiếp tục bị sập thêm 6 căn nhà tạm. Địa phương đã tiến hành di dời 67 hộ/120 khẩu đến trú tạm tại Trường tiểu học Tiến Đức và Nhà văn hoá thôn.

Người dân Tiến Đức gia cố lại nhà. (Ảnh: BTO)

Ông Nguyễn Ngọc Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho hay: Hiện xã cơ bản vận động bà con về nơi trú an toàn. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm sáng nay một số hộ dân đã quay về nhà dù biết diễn biến thời tiết còn rất nguy hiểm.

Còn tại Phường Hàm Tiến, theo lãnh đạo TP Phan Thiết, tối qua biển xâm thực ở khu phố 3, 4 sâu 10 m, dài 30m, thiệt hại 7 chiếc ghe dưới 20cv, ngả đổ 10 cây dừa, tường rào 60m, cuốn đi 10 thuyền máy công suất dưới 20cv và 2 thúng máy, 15 thuyền máy bị đứt dây neo được đưa vào bờ trong tình trạng hư hỏng thân tàu. Hiện địa phương đang thống kê thiệt hại.

Bến Tre mưa lớn, gió giật mạnh

Tại Bến Tre, từ khoảng 1giờ đến 7 giờ 30 sáng nay 25/11 có mưa lớn kéo dài, có lúc có gió giật mạnh. Toàn tỉnh đã chủ động trong công tác chuẩn bị phòng tránh, ứng phó bão khẩn cấp cơn bão số 9.

Tối 24/11/2018, 9 huyện, thành phố tổ chức huy động lực lượng phương tiện sơ tán 4.184 người. Đồng thời, di dời tại chỗ 20.315 người dân ở các khu vực xung yếu, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng to, khu vực sạt lở, cồn, người dân sống tạm bợ đến nhà an toàn trong khu vực để tránh trú bão. Toàn tỉnh có 1.313 căn nhà được chằng chống, gia cố.

Lực lượng dân quân và người dân xã Tân Mỹ (Ba Tri) chằng chống nhà cửa. Ảnh: CTV/Báo Đồng Khởi

Theo thông tin từ báo Đồng Khởi, UBND các huyện đã liên lạc được 3.106 phương tiện đang hoạt động trên biển với 17.536 người. Trong đó, có 107 phương tiện hoạt động ven bờ với 195 người; hoạt động xa bờ 1.753 phương tiện/13.142 người. Có gần 1.240 phương tiện neo đậu/4.199 người. Hiện tất cả các bến phà, bến đò ngang, đò du lịch đã ngưng hoạt động.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thị sát một số điểm xung yếu tại TP Vũng Tàu

Theo báo Bà Rịa - Vũng Tàu, sáng 25/11, để đảm bảo cho công tác phòng chống bão số 9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi kiểm tra một số điểm xung yếu tại TP Vũng Tàu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra dọc bờ biển khu vực Bãi Trước (TP Vũng Tàu).

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thị sát các điểm như: Cảng Cầu Đá, Mũi Nghinh Phong, Bãi Sau, Bãi Trước về công tác phòng tránh bão số 9. Qua kiểm tra, Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của TP Vũng Tàu trong thực hiện công tác phòng, tránh bão, đặc biệt là chủ động trong công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, công tác di dân, công tác chằng chống nhà cửa...

Bão số 9 hiện đang diễn biến phức tạp với sức gió mạnh và dự báo sẽ đổ bộ vào Bà Rịa - Vũng Tàu từ 10 giờ trưa nay, vì vậy Bộ trưởng lưu ý địa phương không được lơ là chủ quan trong công tác phòng chống bão.

Không chủ quan với bão số 9 và tình hình mưa lũ sau bão

Sáng 25/11, Văn phòng thường trực BCĐ TW về PCTT đã họp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 và tình hình mưa lũ sau bão do ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chánh văn phòng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì.

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Giao thông, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai) đã báo cáo công tác chỉ đạo ứng phó với bão, kiểm đếm đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè, hồ chứa. Mặc dù bão chưa đổ bộ vào đất liền nhưng đã có một số thiệt hại ban đầu về tàu thuyền, lồng bè của người dân tại tỉnh Bình Thuận.

Toàn cảnh cuộc họp.

Bão số 9 di chuyển chậm hơn, cường độ có xu hướng giảm dần, theo thông tin tại một số địa phương, ngay trong đêm 24/11, người dân đã quay trở về nhà từ khu vực tránh trú khi bão chưa đổ bộ.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh không được chủ quan với bão số 9, đồng thời đề nghị cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông tới người dân để tránh tư tưởng chủ quan, gây thiệt hại đáng tiếc.

Đối với việc ứng phó với mưa lớn do bão số 9 tại các tỉnh khu vực Trung bộ và Tây Nguyên, Văn phòng BCĐ TW về PCTT đã có văn bản gửi tới các địa phương đề nghị triển khai thực hiện một số nội dung sau: Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu. Tổ chức thường trực và vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, đồng thời đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là ở tuyến cơ sở để người dân biết, chủ động ứng phó.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc.

Đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1 tê liệt vì mưa bão

Sáng 25/11, ông Lê Hồng Sơn - Phó Giám đốc Chi Nhánh vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, từ 21h30 đêm qua (24/11), mưa lớn do ảnh hưởng từ bão số 9 khiến tuyến đường sắt tại 2 khu vực (Suối Cát, Cam Lâm, Khánh Hòa) và Ninh Thuận bị ngập.

Đường sắt và đường bộ qua tỉnh Khánh Hòa đang tê liệt do mưa lũ từ bão số 9​.

Đến sáng nay (25/11), có tổng cộng 7 đoàn tàu bị mắc kẹt không thể di chuyển. Mỗi đoàn tàu có khoảng 350 hành khách, ước tính lượng khách bị mắc kẹt khoảng gần 2.500 khách.

Để khắc phục tình hình, ngành đường sắt đã hợp đồng với 13 xe khách đến các ga để thực hiện trung chuyển hành khách ở 2 điểm này đến các ga kế tiếp để tiếp tục hành trình.

Ông Nguyễn Như Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Phú Khánh thông tin thêm, nguyên nhân tàu không thể chạy được là do mưa lớn làm ngập đường ray, có một số điểm nước chảy siết cuốn trôi đá, hổng chân ray. Sau khi nước rút, đơn vị mới có thể tiến hành gia cố để phục vụ công tác chạy tàu.

Trong khi đó, ông Chu Văn Dũng - Chánh Văn phòng Công ty Cổ phần đầu tư BOT 194 (Chủ đầu tư Quốc lộ 1 qua địa bàn TP Cam Ranh và một phần huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, đến sáng cùng ngày toàn bộ đoạn tuyến quản lý đã bị ngập sâu trong nước.

Đến khoảng 9h tuyến đường đã bị tê liệt hoàn toàn, các phương tiện không thể lưu thông do nước ngập sâu và chảy siết. Không chỉ vậy, nhiều khu vực dải phân cách bị xô ngã dù mới được dựng lại trong đợt mưa lũ ngày 18/11 vừa qua.

"Cầu Đồng Bà Thìn đã bứt một bên mố có nguy cơ hư hỏng sập cầu, rất nguy hiểm. Đây là cầu cũ công ty mới báo cáo Bộ Giao thông vận tải để xin làm lại, tuy nhiên chưa kịp làm thì xảy ra hai đợt lũ lớn này. Chưa bao giờ thấy mực nước lên cao như vậy. Ngay cả Quốc lộ 27B cũng bị chìm trong biển nước. Đây là tuyến đường được Bộ Giao thông vận tải ủy thác cho Sở Giao thông vận tải bảo trì", báo Khánh Hòa dẫn lời ông Dũng cho biết.

Hiện nay, công ty đang cho người và phương tiện túc trực tại các điểm ngập sâu phân luồng giao thông và huy động máy móc để có phương án di chuyển một số khối bê tông dải phân cách cho nước thoát.

Sạt lở đất, ngập lụt cục bộ tại Khánh Hòa, Ninh Thuận

Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh thông tin lúc 12h30 ngày 25/11, trong 3 giờ qua, một số nơi thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận có mưa to đến rất to như: Khánh Phú 81,8mm; Khánh Nam 67,6mm; Phượng Hoàng 44,8mm (Khánh Hòa); Ma Nới 87,0mm (Ninh Thuận).

Nhận định trong 3 giờ tới, khu vực này khả năng tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng từ 20 - 50mm.

Cảnh báo: Trong 3 - 6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng thấp ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đặc biệt là huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải (Ninh Thuận), Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Một số hình ảnh, đường đi Cam Lập, TP Cam Ranh bị sạt lở nghiêm trọng.
 

Theo báo Khánh Hòa, trong 24 giờ qua, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nhiều nơi ngập nặng và bị chia cắt, các trục đường chính như Quốc lộ 1 (đoạn qua Cam Ranh), Quốc lộ 27C (đường Nha Trang - Đà Lạt), Quốc lộ 26 đi Đắk Lắk, Tỉnh lộ 9 đi Khánh Sơn... bị sạt lở nặng, có nơi giao thông tê liệt.

Trung tâm TP Hồ Chí Minh mưa nhỏ, gió nhẹ

Trong 2 ngày qua, người dân TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị tinh thần đón bão số 9. Nhưng cho đến trưa hôm nay tại khu vực trung tâm TP chỉ có mưa nhỏ, gió nhẹ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào trưa hôm nay 25/11 bão số 9 đã đổ bộ vào đất liền từ Bình Thuận đến Bến Tre. Riêng tại trung tâm TP Hồ Chí Minh hiện nay đã có mưa lớn, dự báo đêm nay, khu vực TP Hồ Chí Minh có mưa rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt.

 

Tuy nhiên, đến trưa nay tại trung tâm TP Hồ Chí Minh chỉ có mưa nhỏ và gió nhẹ, trên các tuyến phố mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần