Bảo tàng chiến tranh - khát vọng hòa bình

Nhà báo Minh Tứ - Tổng Biên tập báo Quảng Trị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đang xem những hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, bỗng dưng người đàn ông có dáng người dong dỏng cao, tác phong nhanh nhẹn nói tiếng Nhật ở bên cạnh làm tôi chú ý.

Ông chăm chú xem các hiện vật, những bức ảnh được trưng bày trong bảo tàng và thỉnh thoảng thốt lên những câu thán phục, vừa xem vừa quay sang trao đổi với những người đi cùng đoàn.
Những câu chuyện một thời hoa đỏ
Người đàn ông mà tôi tình cờ gặp buổi sáng hôm ấy chính là một người bạn từng ủng hộ mạnh mẽ phong trào chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam những năm chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Ông Shodoshima Masanori, hiện là Trưởng Ban Thư ký Hội hữu nghị Nhật - Việt TP Osaka. C
huyến đi lần này đến Việt Nam của ông là để tìm hiểu thêm về tình hình những nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam do Mỹ rải thảm ở Việt Nam để tìm cách trợ giúp. Đến Khe Sanh, ông muốn tìm về một địa danh mà ông đã từng biết đến trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc của Nhân dân Việt Nam.
Ông kể: "Năm 1968 tôi đang còn là học sinh trung học ở TP Osaka. Kỷ niệm sâu sắc trong đời của tôi là những ngày xuống đường biểu tình chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam". Sống ở một đất nước từng chịu ảnh hưởng nặng nề của hai quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945, hơn ai hết thế hệ của ông hiểu thế nào là hậu quả của chiến tranh.
 Chiến sĩ thông tin trên đồi A Quảng Trị. Ảnh tư liệu
Giọng ông chùng xuống: "Tôi đọc báo, xem truyền hình, từng biết một Khe Sanh "Điện Biên Phủ thứ hai" ở Việt Nam. Từ bấy đến nay, đây là lần đầu tôi được đặt chân đến nơi này. Tôi rất cảm phục cuộc chiến đấu vệ quốc của Nhân dân Việt Nam. Chiến tranh, thật là khủng khiếp, nhưng cuối cùng dân tộc Việt Nam của các bạn đã chiến thắng". Những hình ảnh, những hiện vật ở Bảo tàng chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh đã làm ông xúc động mạnh.
Đó chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn cảm nhận của khách du lịch khi tìm về địa chỉ này. Được biết, trong hệ thống các di tích chiến tranh ở Quảng Trị, di tích sân bay Tà Cơn và Bảo tàng chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh là di tích có số khách đến thăm rất nhiều, nhất là những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và du khách đến từ các nước phương Tây. Hằng ngày di tích này có rất nhiều lượt khách trong nước và nước ngoài đến thăm.
Để có được một bảo tàng như hôm nay, đó là kết quả sự nỗ lực rất lớn của Trung tâm quản lý di tích - danh thắng Quảng Trị trong việc phục chế, tôn tạo một số hạng mục tại di tích sân bay Tà Cơn, đồng thời tiến hành sưu tầm tư liệu, hiện vật tiêu biểu có giá trị để trưng bày tại nhà Bảo tàng chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh.
Với khuôn viên khu di tích được quy hoạch có diện tích tương đối rộng, hệ thống hiện vật trưng bày có thể khối lớn, đã tái tạo lại được cảnh chiến trường khốc liệt năm xưa, giúp cho khách tham quan hiểu rõ hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam. Khác với trước đây di tích sân bay nhưng chẳng có máy bay. Bây giờ ấn tượng đập vào mắt khách tham quan là hai máy bay CH47, UH-14 được Bảo tàng Quân sự Việt Nam “chi viện” cho khu di tích để trưng bày ngoài trời ở khu di tích.
Còn ở bên trong bảo tàng, đắt giá nhất là hơn 250 hiện vật sưu tầm được, từ công văn giấy tờ của Bộ chỉ huy Mặt trận Đường 9, những bức quyết tâm thư được viết bằng máu của bộ đội ta đến vũ khí, trang phục của lính Mỹ -ngụy... Thêm vào đó là hàng trăm bức ảnh sinh động về chiến trường Đường 9 - Khe Sanh được ống kính của phóng viên chiến trường Quân đội Nhân dân Việt Nam và của phóng viên chiến trường các hãng thông tấn nước ngoài ghi lại được.
Những tấm ảnh này đã được công bố trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước, lần này được trưng bày một cách có hệ thống. Đó là những khoảnh khắc ngàn vàng mà trải qua bao thời gian người xem vẫn có thể hình dung được qua những trang sử bằng ảnh. Đó là các bức ảnh: Lính Mỹ đổ quân xuống Khe Sanh 1967; cụm cứ điểm sân bay Tà Cơn 1968; căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu, con mắt thần của tuyến hàng rào điện tử Mc.Namara; cao điểm 241, căn cứ pháo binh lớn nhất của Mỹ - ngụy ở Nam Vĩ tuyến 17; nỗi kinh hoàng của lính Mỹ tại căn cứ Làng Vây; hình ảnh lính Mỹ bỏ mạng ở chiến trường, rút chạy khỏi căn cứ Tà Cơn...
Đó là hình ảnh hiên ngang xốc tới đạp lên đầu thù của quân giải phóng miền Nam; gương mặt một số Anh hùng lực lượng vũ trang trên Mặt trận Đường 9 như các anh hùng: Lê Mã Lương, Phùng Quang Thanh, Bùi Đình Đột, Ngô Quang Nghiêm, Lê Xuân Tấn, Phạm Ngọc Khanh...; hình ảnh Nhân dân các dân tộc Pa Kô, Vân Kiều nổi dậy phá ấp chiến lược trở về quê cũ. Tấm ảnh mang tính nhân đạo sâu sắc nhất là hình ảnh Bộ đội quân y quân giải phóng chăm sóc vết thương cho tù binh Mỹ bị bắt tại Tà Cơn Xuân - Hè 1968...
Có đến đây, được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh này, càng thấy rõ tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, Nam Lào trong những năm chống chiến tranh xâm lược. Mặt khác cũng thấy được cuồng vọng xâm lược, tội ác dã man và thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ. Có thể nói đường 9 và thung lũng Tà Cơn, Làng Vây... là nơi mồ chôn quân xâm lược.
Những khát vọng còn mãi
Có một hình ảnh gây sự chú ý của tôi ở Bảo tàng Đường 9 - Khe Sanh là bức ảnh "Gặp lại đối phương". Trong ảnh là Đại tướng Raymond G.David, nguyên Sư đoàn trưởng sư đoàn thủy quân lục chiến số 3 - Mỹ đóng tại Khe Sanh năm 1968 và Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng E9 - F304, đơn vị trực tiếp bao vây đánh Trung đoàn 26 thủy quân lục chiến Mỹ tại Tà Cơn năm 1968. Họ gặp nhau năm 1998 tại Hà Nội. Vị đại tướng Mỹ này đã quay trở lại Việt Nam 30 năm sau chiến tranh để cắt nghĩa thêm vì sao họ đã thất bại ở chiến trường Khe Sanh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đối với các thế hệ người Việt Nam, về với địa danh lịch sử này là tìm về với trang sử hào hùng của dân tộc. Nhiều đoàn khách trong nước đã đến đây đều có chung cảm nhận rằng những hiện vật, hình ảnh còn lại hết sức quý giá của di tích này đã giúp cho các thế hệ tiếp nối ôn lại những chiến công oanh liệt của quân và dân ta, tự hào với truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta.
Trong một chuyến về nguồn, tìm đến Di tích sân bay Tà Cơn, anh Đặng Quý công tác ở Đài Truyền hình tỉnh Bình Dương đã bồi hồi xúc động kể: "Cha tôi đã chiến đấu ở đây, hôm nay tôi đến được nơi cha tôi từng chiến đấu cùng đồng đội. Thật là những năm tháng hào hùng không thể nào quên". Cứ thế, biết bao người đã đến đây, tiếp tục đến đây để bồi đắp thêm truyền thống yêu nước, nâng cao niềm tự hào dân tộc, đề cao cảnh giác, từ đó càng quyết tâm thực hiện trách nhiệm của người con đất Việt để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới...
Chiến tranh đã lùi xa. Lịch sử là dòng chảy của thời gian có cội nguồn của nó. Không ai được sống trong cảnh thanh bình mà quên được cội nguồn. Quá khứ là nền tảng của tương lai. Và, như thế một thông điệp nữa từ Bảo tàng chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh là từ đây sẽ thắp lên khát vọng hòa bình. Tôi đã bắt gặp khát vọng đó không chỉ ở những người trong cuộc, từng nếm trải bao đau thương mất mát bởi chiến tranh mà còn gặp ở nhiều du khách từ nhiều nước trên thế giới khi đến đây, đó là: Graure và Cazolyn người Scotland; Rosie và Hennh người Thụy Điển; Jody Andress và Saiah Braving - hai công dân trẻ đến từ Hoa Kỳ... Cảm nhận chung của họ: "Đây là bảo tàng của chiến tranh. Chúng tôi muốn trong tương lai cùng mọi người xây lên bảo tàng về hòa bình".
Còn mãi trong tôi lời chia sẻ chân tình của ông Shodoshima Masanori - Trưởng ban Thư ký Hội hữu nghị Nhật - Việt, TP Osaka nói với tôi hôm gặp ở Khe Sanh: "Hy vọng đừng có cuộc chiến tranh nào như thế này nữa trên trái đất này". Hôm đó tôi đã nói với Masanori rằng: Người ta nói hãy khép lại quá khứ để nhìn về tương lai. Tôi nghĩ rằng quá khứ thì có thể khép lại, nhưng bài học thì không thể lãng quên. Bởi thế Bảo tàng chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh không chỉ là nẻo tìm về quá khứ để tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc chúng tôi mà còn là nơi thắp lên khát vọng hòa bình cho nhân loại. Như thế và mãi mãi như thế.
Chỉ tính riêng cuộc truy kích 170 ngày đêm năm 1968 của quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống 11.900 tên, phá hủy 78 xe quân sự, bắn rơi, phá hỏng 197 máy bay các loại, bắn hỏng 80 tàu vận tải, giải phóng được 10.000 dân Hướng Hóa là một kỳ tích lịch sử xứng đáng với tên gọi là "Điện Biên Phủ thứ hai" như lời của báo chí phương Tây bình luận. Điều này cũng cho chúng ta hiểu được vì sao Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ SliSinco năm 1968 đã thừa nhận cay đắng: "Tuy chúng ta đã ném cả danh dự của nước Mỹ ra để giữ Khe Sanh và buộc Hội đồng tham mưu tổng liên quân cam kết bằng máu, nhưng cuối cùng phải rút chạy"...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần