Truyện ngắn: Bảo tàng của bố

Truyện ngắn của Cố Chấn Uy (Trung Quốc) - Vũ Thu Trà (dịch)
Chia sẻ Zalo

Tôi và em gái, chị gái gọi rất nhiều cuộc điện thoại, nhờ tất cả người thân, bạn bè thuyết phục động viên bố, bố vẫn nhất quyết ở lại quê, không muốn lên thành phố sống cùng chúng tôi.

Chủ nhật, tôi bắt xe về quê cách hơn 400km, nài nỉ bố lần nữa rời khỏi quê nhà. Bố tôi giọng chùng xuống: “Đừng coi thường ngôi nhà cũ nát này của chúng ta, nơi đây là bảo tàng của bố, bố sống ở đây rất thoải mái.”
Tôi nghi hoặc nhìn bố, ngôi nhà cũ nát này sao lại là bảo tàng của bố được? Lẽ nào bố tôi hơn 70 tuổi rồi nên lẫn?
Nhìn vẻ mặt của tôi, bố dẫn tôi đến căn phòng phía Tây, căn phòng phía Tây trong ký ức của tôi là nơi chất đầy lương thực, nào lúa mạch, ngô, cao lương, đậu, khoai lang… nhà có lương thực, trong lòng không lo, chỉ cần nhìn thấy lương thực trong căn phòng ấy là nghĩ đến đôi bàn tay khéo léo của mẹ tôi, trong lòng tôi cảm thấy rất ấm áp, yên tâm.
Hôm nay, căn phòng ấy được dọn dẹp rất sạch sẽ, gọn gàng để cất nông cụ. Bố tôi chỉ một cái liềm lốm đốm vết gỉ, run run nói với tôi, đây là cái liềm mẹ con dùng được 6 năm rồi đấy. Con xem, chuôi liềm được mẹ con cầm nhiều đến mức sáng bóng cả lên. Mẹ con dùng liềm này cắt lúa mạch, cắt cả cỏ nữa. Bố tôi chỉ tiếp đến cái áo khoác màu đen đầy miếng vá nói, chiếc áo này vá tất cả là 11 miếng vá, mẹ con mặc được 8 năm. Bà ấy là như vậy đấy, cứ không nỡ vứt nó đi để mua cho mình chiếc áo mới.
Nhìn vật nhớ người, nhớ đến người mẹ đã khuất, tôi lại thấy cay cay sống mũi.
Con có thấy xấp tiền 5 xu này không? Xấp tiền cũ nát này có 40 tờ, là người hàng xóm Thiết Trụ trả cho nhà ta đấy. 20 năm trước, con dâu của Thiết Trụ ốm nằm viện, ông ấy đến vay tiền nhà ta. Lúc đó nhà ta làm gì có tiền, mẹ con phải bán đi 40 quả trứng gà mới gom đủ 2 đồng, tiền trong tay mẹ con còn chưa nóng thì đã đưa cho Thiết Trụ vay. 5 năm qua đi, nhà Thiết Trụ vẫn chưa trả được nợ, bố định sang đòi nhà ấy thì mẹ con ngăn lại. Chớp mắt 10 năm trôi qua, bố cứ tưởng Thiết Trụ quên mất chuyện đó rồi, không ngờ Thiết Trụ trả một xập 40 tờ 5 xu, mà lúc đó thì 2 đồng chỉ có thể mua được hơn 10 quả trứng gà. Bố còn chưa kịp tiêu xập tiền 5 xu ấy thì tiền 5 xu đã không còn được lưu thông trên thị trường nữa rồi. Vứt đi thì tiếc quá nên mẹ con lại cất chúng vào trong ngăn kéo.
Đôi giày da vẫn còn mới này là cậu Tiến mua. Mười mấy năm trước, nhà cậu ấy nghèo đến mức chuột còn không muốn vào, mẹ con thường hay chăm sóc cậu ấy. Hồi cậu Tiến ấy vào đại học, mẹ con còn cho 20 đồng làm lộ phí. Sau khi tốt nghiệp đại học, cậu ấy đi làm công việc tốt lắm, mua về biếu mẹ con đôi giày da này. Lời cậu ấy nói bố vẫn còn nhớ rất rõ, bác gái à, bác từng đi giày cỏ, giày vải, dép có quai, chưa từng đi giày da bao giờ. Bác khổ cả đời rồi, con mua biếu bác đôi giày da này, cho bác nở mày nở mặt. Mẹ con nhận lấy lại không nỡ đi, để cho chị con đi, chị con cũng không đi, để cho em gái con đi, em gái con cũng không đi, thế là đôi giày này vẫn cứ để đó từ bấy đến nay.
Còn con dao này nữa, là con dao giết người đấy, con dao này của Lưu Tử trong thôn mình. Ngày đó nhà nào cũng khổ, ăn bữa trước lo bữa sau. Hôm đó mẹ con đi chợ về, vừa đúng lúc nhìn thấy Lưu Tử đang dùng gáo múc trộm ngô nhà mình. Lưu Tử dùng con dao này dí vào ngực mẹ con, nghiến răng nói, không được kêu lên, không tôi đâm chết. Mẹ con vẫn là mẹ con, mặt không biến sắc, cười mà nói rằng, lòng người thì cũng là xương thịt thôi, không đến bước đường cùng thì cũng không đến nỗi vứt lương tâm đi để mà trộm đồ người khác. Tôi biết nhà cậu khó, người anh em à, đừng sợ, tôi không nói ra đâu. Ngô trong túi cậu đã được hơn 10 cân chưa? Nếu đi làm thành mỳ cũng phải mất 4 hào đấy. Để tôi cho cậu thêm 4 hào này, các cậu đừng để bụng đói nhé. Nghe mẹ con nói vậy, Lưu Tử vứt dao, quỳ xuống chân mẹ con. Mẹ con sợ Lưu Tử xảy ra chuyện nên giục Lưu Tử vác ngô đi, còn con dao thì cậu ta bỏ lại đây.
Nghe những lời tâm sự rủ rỉ nặng tình của bố, từng câu chuyện về mẹ cứ hiện ra trước mắt tôi như những thước phim. Người yêu thương tôi nhất trên thế gian này đã ra đi rồi, tôi về nhà không còn được gọi to 2 tiếng mẹ ơi, nước mắt tôi cứ thế chảy ra giàn giụa.
Con dao thái rau này mẹ con dùng hơn 10 năm, mẹ con đã dùng nó nấu biết bao nhiêu bữa cơm, bà ấy trước lúc mất còn nấu cơm cho bố, còn bảo rằng ông ơi, ông thích ăn nhất là mỳ đậu, hôm nay tôi làm mỳ đậu cho ông nhé. Ở trong bếp, khi tiếng lách cách của cái ống thổi đã ngừng, mẹ con gọi bố ăn cơm, ông ơi, cơm xong rồi, sao ông chưa xuống bê, còn để tôi bón cho ông sao? Bố còn chưa kịp đứng dậy, thì nghe thấy tiếng đổ vỡ, rồi tiếng người ngã ra. Tim bố như nhảy ra khỏi lồng ngực, bố vội vàng chạy xuống bếp, mẹ con đã nằm đó mắt nhắm nghiền.
Mẹ con 18 tuổi đã bước vào nhà họ Cố chúng ta, sống ở đây 60 năm, sinh ra 3 chị em con, chăm chỉ tần tảo. May biết bao nhiêu bộ quần áo, nuôi biết bao nhiêu trâu bò, lợn gà. Cũng giống như đa phần phụ nữ nông thôn, bà ấy cần cù, lương thiện, khoan dung đôn hậu, nhân từ, chất phác, dũng cảm. Bây giờ bà ấy đã đi rồi, chỉ còn để lại mấy thứ này. Cứ nhìn thấy những thứ này, bố có cảm giác như bà ấy vẫn chưa rời xa chúng ta, bà ấy vẫn cứ bận rộn sớm hôm với tấm thân bệnh tật, bà ấy vẫn cứ đứng ở cửa nhà chờ chúng ta về. Gió thổi trong vườn, bố cứ cảm thấy như bà ấy đang thở. Mưa rơi trong vườn, bố tưởng như bà ấy đang nói chuyện. Bố vẫn có cảm giác bà ấy chưa rời khỏi căn nhà này, bố phải ở đây với mẹ con, bố đi rồi, bà ấy sẽ thấy thật cô đơn.
Bố nói đến đây nghẹn lời không thành tiếng, nước mắt tôi như mưa. Tôi biết rằng những thứ ở trước mắt chính là những kỷ vật của mẹ mà bố đã cất giữ, đây chính là bảo tàng của bố, bố tôi sẽ giữ gìn chúng sớm sớm ngày ngày trong những năm tháng bố còn sống. Tôi cũng sẽ lưu giữ chúng trong tim, mãi mãi…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần