“Bão tiền lẻ” lan rộng ra các trạm BOT giao thông: Chặn ngay hiệu ứng domino

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau BOT Cai Lậy, tình trạng tài xế dùng tiền lẻ mua vé liên tục xuất hiện tại nhiều trạm BOT trên cả nước. Nhiều chuyên gia lo ngại về một hiệu ứng domino sẽ xảy ra nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

“Bão tiền lẻ” từ Nam ra Bắc

Đầu tháng 12/2017, Trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) vừa tái thu phí đã vấp phải “cơn bão tiền lẻ” của các tài xế. Tình trạng nghiêm trọng đến mức, trạm thu phí này phải xả trạm hàng chục lần chỉ trong vòng mấy ngày, trước khi tạm dừng hoạt động 1 – 2 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng thời điểm, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Trạm BOT Ninh An (tỉnh Khánh Hòa), khiến giao thông khu vực trạm nhiều lần lâm vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Đến trưa 4/12, do kẹt xe kéo dài, đơn vị quản lý buộc phải xả trạm 30 phút.

Tài xế dùng tiền lẻ qua Trạm thu phí số 1 QL5 vào ngày 11/12.  Ảnh: Văn Chương

3 ngày sau, “bão tiền lẻ” lan đến Trạm BOT Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Hàng loạt tài xế dùng tiền mệnh giá 200 đồng và 500 đồng mua vé qua trạm và đòi nhân viên bán vé trả lại đúng 100 đồng tiền thừa đúng vào giờ cao điểm, khiến giao thông khu vực trạm thu phí trở nên hỗn loạn. Tình trạng tài xế dùng tiền lẻ qua trạm để phản ứng với BOT Biên Hòa đã dai dẳng từ tháng 9/2017. Thậm chí ngày 5/10, nhà đầu tư còn phải tạm dừng thu phí trong vòng 20 ngày. Thế nhưng, ngay khi tái thu phí không lâu, cơn “bão tiền lẻ” lại tái xuất.

Rồi ngày 11/12, “bão tiền lẻ” đã “ra Bắc”. Từ 7 giờ 30 sáng, nhiều tài xế chuẩn bị sẵn tiền mệnh giá 200 đồng và 500 đồng mua vé qua Trạm thu phí số 1 QL5 (tỉnh Hưng Yên). Tình hình tạm lắng vào buổi trưa, nhưng đã bùng phát ngay sau đó theo chiều hướng nghiêm trọng hơn vào cuối giờ chiều. Khoảng 16 giờ 40, hàng loạt tài xế dàn hàng ngang dừng ở cả 3 cửa của trạm thu phí, cùng đưa một xấp tiền lẻ, đếm từng tờ khi mua vé, khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng. Vấn nạn tiền lẻ cũng đã dai dẳng ở trạm thu phí này nhiều tháng trước đó.

Cuộc khủng hoảng niềm tin?

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bão tiền lẻ” liên tiếp tại nhiều trạm thu phí BOT thời gian qua xuất phát từ sự khủng hoảng niềm tin của người dân đối với các dự án BOT giao thông.

Theo ông Long, đầu tiên phải khẳng định, chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án BOT đã phát sinh nhiều bất cập. Cụ thể là tính pháp lý của các dự án chưa rõ ràng, việc kiểm soát đầu vào cũng chưa tốt, khiến người dân phản ứng. “Sai sót lớn nhất trong các dự án BOT giao thông là không có sự cạnh tranh, chọn lọc trong đấu thầu. Việc chọn thầu, chỉ định thầu ở các dự án này dẫn đến các bất cập như chi phí đầu tư cao, mức thu phí lớn, vị trí đặt trạm bất hợp lý như hiện nay” - ông Long nói.

Nhận định về hiện tượng “bão tiền lẻ” liên tiếp xuất hiện thời gian gần đây, không chỉ ông Long mà nhiều chuyên gia cho rằng, đây là dấu hiệu về một phản ứng domino đang bắt đầu và có nguy cơ lan rộng trong thời gian tới nếu không có biện pháp kiềm chế. “Đây phải nói là có sự khủng hoảng, mất niềm tin rất lớn đối với BOT giao thông. Nếu không xử lý thì hệ lụy sẽ lớn nữa. Bộ GTVT phải dũng cảm xem xét lại, cái gì sai thì sửa, không thể bảo thủ, né tránh mãi” - ông Long phân tích.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế T.Ư cho rằng, chính những sai sót trong quá trình thực hiện các dự án BOT giao thông là nguyên nhân dẫn đến phản ứng của người dân. “Khi thực hiện, các dự án này đã không công khai minh bạch, không có khung pháp luật cụ thể, rõ ràng, không có trách nhiệm giải trình, không đấu thầu công khai, không giám sát có trách nhiệm - TS Lê Đăng Doanh nói và cho rằng, sau sự việc tại BOT Cai Lậy, thời gian gần đây, nhiều trạm BOT khác trên cả nước đã miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ đường bộ qua trạm. Đây là động thái tích cực nhằm làm dịu phản ứng của người dân. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ mang tính tạm thời, muốn giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến BOT giao thông vẫn cần có giải pháp toàn diện, đồng bộ.

Từ việc tại BOT Cai Lậy, Chính phủ đã chỉ đạo rất kịp thời và đúng đắn là cho tạm dừng hoạt động của trạm để kiểm tra toàn diện báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của người dân. Rất mong sắp tới sẽ có những điều chỉnh, quyết định phù hợp để giải quyết vấn đề tại các trạm BOT.

TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế T.Ư


Để giải quyết tồn tại ở các dự án BOT giao thông, cơ quan chủ quản được Chính phủ giao ở đây là Bộ GTVT cần phải làm rõ 2 vấn đề: Minh bạch việc đầu tư cho từng trạm BOT. Xem đánh giá về vốn có đúng không? Từ đó liên quan đến thời gian thu phí và mức thu phí. Thứ hai là đặt trạm thu phí có đúng luật không? Về vị trí đặt trạm và về khoảng cách giữa các trạm. Nếu Bộ GTVT thấy mình đúng thì cứ giải trình trước dân, trước Chính phủ, còn nếu sai thì phải kịp thời sửa.

PGS.TS Bùi Thị An – nguyên ĐBQH TP Hà Nội