Bảo trợ xã hội chưa theo kịp thực tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã có phiên giải trình trước Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo trợ xã hội (BTXH) cuối tuần qua.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, cả nước có trên 1,6 triệu người được nhận trợ cấp BTXH, chiếm 2% dân số và tăng gấp 3,5 lần so với năm 2006. Những năm qua, Nhà nước đã có chính sách trợ giúp đột xuất khi người dân gặp thiên tai, như hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ nếu phải di dời nhà khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, hộ thiếu đói được hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong 3 tháng... Hệ thống chính sách BTXH đang từng bước được hoàn thiện đa dạng về hình thức, nội dung chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, trợ giúp giáo dục, nuôi dưỡng trong cơ sở BTXH...

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế như mức độ bao phủ chính sách xã hội hóa còn thấp; các chế độ chính sách mới chỉ bảo đảm hỗ trợ được một phần các nhu cầu thiết yếu tối thiểu của đối tượng. Thực tế mức trợ cấp BTXH (cho người già trên 80 tuổi, mẹ đơn thân, trẻ mồ côi, người khuyết tật...) chỉ từ 180.000 - 360.000 đồng/tháng, tương đương 40 - 70% chuẩn nghèo hiện hành. 

Bên cạnh đó, chính sách BTXH hiện tại có những bất cập, như trợ cấp cho người già trên 80 tuổi không phân biệt giàu nghèo, những người dưới 80 tuổi dù rất nghèo vẫn không có trợ cấp. Do đó, nếu tính đến năm 2020, chính sách BTXH nên tính cả những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, thay đổi mô hình bệnh tật, lạm phát... ảnh hưởng đến đời sống của người đang nhận trợ cấp xã hội. Đồng thời có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các mô hình chăm sóc người nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi dân lập. Cùng với đó, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, hiện tại mới chỉ có chính sách bảo trợ với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật được quy định trong luật; công tác thống kê, rà soát nắm đối tượng ở các địa phương, cơ sở chưa thường xuyên chặt chẽ, còn bỏ sót đối tượng...

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, chính sách BTXH là hoàn toàn đúng đắn, bảo đảm tính nhân văn trong hệ thống xã hội nước ta. Chính sách này đã đi sát, hướng về phía người thụ hưởng. Tuy nhiên, việc thực hiện BTXH còn chưa kịp thời, mạng lưới cơ sở hạ tầng còn yếu kém... là những vấn đề cần khắc phục. Bộ LĐTB&XH cần rà soát lại các văn bản pháp luật về đối tượng được thụ hưởng chính sách; rà soát và xây dựng các quy chế phối hợp giữa ngành, các tổ chức và đoàn thể trong thực hiện chính sách.