Bao vây bắt tàu, bè tàn sát san hô

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều và tối ngày 16-2, Đội CSGT đường thủy Công an tỉnh Quảng Ngãi đã bao vây khu vực phao số 1, Cảng Sa Kỳ (thuộc thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn).

KTĐT - Chiều và tối ngày 16-2, Đội CSGT đường thủy Công an tỉnh Quảng Ngãi đã bao vây khu vực phao số 1, Cảng Sa Kỳ (thuộc thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn). Phát hiện có CSGT đường thủy, hàng loạt tàu, bè đang khai thác san hô dưới biển đã tháo chạy tứ tung. Nhiều người đã ném san hô xuống biển phi tang.

Có 3 tàu cùng 5 bè khai thác san hô bị bắt đưa về Trạm Cảnh sát giao thông đường thủy Sa Kỳ. Ba chủ tàu gồm Lương Công Dân, Phạm Phát và Nguyễn Mai (đều ngụ thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn). Các chủ bè đã nhảy xuống biển trốn bỏ lại bè và san hô với số lượng trên 3 khối.

Theo CSGT đường thủy cho biết, việc tổ chức bắt các tàu, bè khai thác san hô gặp nhiều khó khăn: “Trong khi biển động, ca nô của Cảnh sát đường thủy liên tục bị sóng đánh mạnh khi tiếp tận khu vực khai thác san hô nơi cửa biển. Quyết tâm bắt cho bằng được phương tiện và đối tượng, chúng tôi đã bất chấp tiếp cận bắt quả tang và đưa các phương tiện khai thác san hô vào cảng để xử lý”.

Bãi rạn san hô dài nằm dọc theo bờ biển hai xã Bình Châu, Bình Hải (huyện Bình Sơn) được thị trường ưa chuộng vì san hô đẹp, phù hợp cho việc phối cây cảnh. Hiện nay, mỗi ngày có hàng chục phương tiện tàu, bè lặn xuống đáy biển “xẻ thịt” san hô.

Tại khu vực phao số 0 và số 1 Cảng Sa Kỳ (thuộc thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), mỗi ngày có trên chục tàu, bè thi nhau lặn khai thác san hô. Nhiều tàu nhỏ hành nghề tôm nhí, thấy nghề khai thác san hô “hái” nhiều tiền, các chủ tàu đã chuyển sang lặn san hô. Dù biển động, những người trên tàu và bè đã dùng bộ dây, bình hơi lặn xuống khoảng 7 – 10m đáy biển lấy san hô. Sử dụng búa, mũi dùi và xà beng đục, nạy san hô đưa lên tàu.

Trước đây, ngư dân dùng tàu ra khai thác san hô, nhưng gần đây nhiều ngư dân đã nghĩ ra cách làm bè vận chuyển san hô. Dựng các trụ tre bắt ngang làm ròng rọc kéo san hô dưới đáy biển lên mặt nước. Mỗi bè khoảng 6 người, 3 người ngậm dây hơi lặn xuống đáy biển lấy san hô, 3 người còn lại   kéo ròng rọc đưa san hô lên khỏi mặt biển. Cứ như thế, ba người liên tục thay phiên nhau kéo, lặn, đến khi san hô chất đầy bè, họ đưa vào bờ đem đi tiêu thụ.

Theo các ngư dân địa phương cho hay, từ khi người dân ồ ạt khai thác san hô thì tình hình sạt lở nhiều nơi dọc theo bờ biển xã Bình Hải và Bình Châu nghiêm trọng. Cũng do khai thác một cách bừa bãi vô tội vạ nên rạn san hô khu vực biển xã Bình Châu và Bình Hải chỉ trong một thời gian ngắn, đã bị đào xới nham nhở, và hư hỏng nặng khiến môi trường biển ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lực lượng chức năng đã làm mạnh tay, xử lý nghiêm khắc các trường hợp khai thác, vận chuyển, tuy nhiên tình trạng này vẫn không ngừng gia tăng. Nhiều lái thương đã không ngại bỏ tiền mua một lúc hàng chục m3 san hô cất giấu vào kho bán dần dần.

Theo nhận xét chung, mức xử phạt đối với những trường hợp khai thác, buôn bán san hô trái phép như hiện nay còn quá thấp, chưa đủ mạnh để răn đe. Trong khi đó tác hại của việc khai thác san hô dưới biển thì lại vô cùng. Nó phá vỡ hệ sinh thái biển và làm mất khả năng che chắn, nơi trú ẩn cho các loài cá tôm dưới biển... 

Hiện nay trên cả nước, các rạn san hô bị suy thoái và có nguy cơ biến mất do tốc độ khai thác quá nhanh của người dân, kéo theo sự suy giảm đa dạng sinh học cũng như nguồn lợi hải sản do nhiều loài cá không còn nơi để sinh sản.

Trung tá Phạm Văn Ban – Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát CSGT  đường thủy cho biết, trong thời gian tới lực lượng CSGT đường thủy  tiếp tục phối hợp với lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, truy bắt những tàu, bè và các đối tượng khai thác san hô trái phép.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần