Bảo vệ khí hậu trái đất: Chủ đề chung, mục tiêu riêng

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo vệ khí hậu trái đất cho đến nay đã được rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới coi trọng là mục tiêu quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong quan hệ đối ngoại. Nó đồng thời cũng trở thành chủ đề nội dung luôn thời sự trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế. Cùng chủ đề này thôi, nhưng từng bên còn theo đuổi những mục tiêu riêng khác nhau.

 Ảnh minh họa
Với việc đề xướng tổ chức cuộc thượng đỉnh trực tuyến về bảo vệ khí hậu trái đất, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đi nước cờ cao nhằm thể hiện sự khác biệt cơ bản so với người tiền nhiệm vốn phủ nhận sự tồn tại của biến đổi khí hậu trái đất. Qua đó, ông Biden còn chủ ý tranh thủ các nước trên thế giới và tạo bằng chứng cho chủ định đưa "Nước Mỹ trở lại thế giới". Bằng cách ấy, ông Biden có thể dễ dàng tranh thủ các đồng minh và đối tác ở châu Âu. Ông Biden mời chào lãnh đạo Nga và Trung Quốc tham dự sự kiện vì biết trước được rằng Trung Quốc và Nga không thể không tham gia nếu như không muốn tự biệt lập họ trên thế giới và đồng thời còn dùng chủ đề nội dung này để duy trì quan hệ hợp tác với Nga và Trung Quốc trong khi chủ trương tiếp tục làm găng với cả hai nước kia trên những phương diện khác.
EU và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác với nhau trên lĩnh vực bảo vệ khí hậu trái đất cũng nhằm những mục tiêu khác nhau. Trung Quốc cũng cần tranh thủ sự hậu thuẫn của thế giới trên lĩnh vực này khi đưa ra mục tiêu phấn đấu rất cao xa và tích cực về bảo vệ khí hậu trái đất, khi thể hiện thiện chí hợp tác với Mỹ và EU. Nhưng đồng thời Trung Quốc cũng còn dùng những chủ định ấy để phân rẽ Mỹ với EU và với các đối tác khác của Mỹ. Còn EU tìm cách thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc để vừa cùng hội cùng thuyền với Mỹ vừa đi lối đường riêng trong quan hệ với Trung Quốc. Cả trên nhiều chủ đề nội dung khác nữa của chính trị thế giới hiện cũng thấy tình trạng các bên theo đuổi nhiều mục tiêu trong cùng chủ đề hợp tác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần