Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Bệ phóng cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quyền của người tiêu dùng (NTD), tới người dân và DN là hành động thiết thực để thúc đẩy tiêu dùng. Từ đó thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế, đồng thời tạo bệ phóng cho DN tiêu thụ sản phẩm.

Im lặng vì chưa tin tưởng
Sau khi sản phẩm khăn lụa của Tập đoàn Khaisilk bị NTD “bóc mẽ” về việc nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đại diện Tập đoàn này đã lên tiếng thừa nhận 50% sản phẩm khăn lụa của Khaisilk được nhập về từ Trung Quốc. Điều đó cho thấy Tập đoàn Khaisilk vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi NTD khi đã xâm phạm đến quyền được cung cấp thông tin nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa tới NTD.
 Nhân viên siêu thị HC tư vấn cho khách hàng hiểu về những quyền lợi khi mua sản phẩm. 
Đây không phải là lần đầu tiên quyền lợi NTD bị xâm phạm. Thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy: Thực phẩm, nước giải khát là nhóm hàng hóa chiếm tỷ lệ vi phạm quyền lợi NTD lên đến 19,69%; đồ điện tử gia dụng 13,05%; hàng hóa tiêu dùng thường ngày 12,88%. Phó trưởng Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh) Phan Thế Thắng cho rằng, con số này thể hiện đúng thực trạng DN vi phạm quyền lợi NTD hiện nay. Mặc dù số lượng NTD tham gia khảo sát đã từng bị xâm phạm quyền lợi khá lớn nhưng có tới 44% số người được hỏi chọn phương án “im lặng” và bỏ qua vụ việc.

Khi nói về nguyên nhân khiến NTD ngại tố cáo hành vi xâm phạm quyền NTD, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ NTD Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mặc dù Luật Bảo vệ Quyền lợi NTD đã ra đời nhiều năm nhưng người Việt Nam có tâm lý ngại va chạm, đa số NTD chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, việc giải quyết các khiếu nại của NTD không thành công là do NTD không đủ chứng cứ chứng minh quyền lợi bị xâm hại hoặc đưa ra đòi hỏi đền bù quá mức.

Tuyên truyền đến đông đảo người dân

Để NTD hiểu được quyền của mình khi bị DN xâm hại trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND triển khai "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2018. Mục tiêu lớn nhất là tuyên truyền, phổ biến, thực thi các văn bản pháp luật của Nhà nước, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của các đối tượng có liên quan. Đồng thời định hướng và phát huy ý thức tôn trọng quyền NTD của DN, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân của NTD khi tham gia giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Thực hiện kế hoạch này, trong năm 2018, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức chương trình "Ngày Quyền của NTD Việt Nam" để tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về Quyền của NTD. Với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững”, từ tháng 4 - 7/2018, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD tại các quận, huyện, DN, trường học trên địa bàn TP. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết: "Hoạt động tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi NTD là một trong những nội dung trọng tâm trong quá trình triển khai kế hoạch bảo vệ quyền lợi NTD đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt".

Bên cạnh đó, các DN Hà Nội cũng tổ chức hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD trực tiếp. Cụ thể, từ ngày 16 - 22/3, Sở Công Thương và DN sẽ tổ chức 2 hoạt động lớn là “Tuần tri ân DN vì người tiêu dùng” tại 60 điểm thuộc các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống dịch vụ và cửa hàng cung ứng sản phẩm. Từ ngày 16 - 18/3, tổ chức sự kiện “Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì NTD” với 50 gian hàng của các DN, tổ chức kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ thuộc các lĩnh vực liên quan đến đời sống, tiêu dùng. Bà Lê Thị Kim Oanh - Phó trưởng BCĐ Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội nhấn mạnh: Hiểu rõ Luật Bảo vệ NTD không chỉ giúp ích cho NTD, mà DN cũng có lợi khi tăng mức tiêu thụ sản phẩm.

Công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế nên chính bản thân NTD cũng chưa hiểu hết luật và quyền lợi chính đáng của họ bị xâm phạm. Một bộ phận NTD chưa biết nếu bị xâm phạm quyền lợi thì khiếu nại ở đâu. Hơn nữa, chính bản thân những người thực thi pháp luật chưa thực sự sát sao vào cuộc hoặc vào cuộc quá chậm trễ… khiến NTD thiếu niềm tin vào cơ quan, chính quyền.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ NTD Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng