Bảo vệ trẻ em: Sớm hoàn thiện quy định pháp luật

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em, các vụ xâm hại trẻ em, bạo hành gia đình, bạo lực học đường… diễn biến phức tạp, gia tăng về mức độ. Để bảo vệ trẻ em tốt hơn, việc sớm hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, trong đó bảo đảm nguyên tắc ưu tiên trẻ em là yêu cầu được đặt ra.

Chăm sóc cho trẻ tại trường Mầm non Hồng Tiến, quận Long Biên. Ảnh: Công Hùng
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các cam kết cho trẻ em. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít khó khăn đang phải đối mặt như hệ thống pháp luật liên quan để trẻ em nói chung, về bảo vệ trẻ em nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Có thể kể đến các khoảng trống pháp lý như: Quy định về quy trình tư pháp bảo vệ trẻ em, thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên chưa cụ thể, thiếu quy định về điều tra thân thiện với trẻ em. Hệ thống xử lý hành chính và hình sự còn nhiều điểm chồng chéo, bất cập, chưa có quy định cơ quan điều phối về tư pháp người chưa thành niên. Chưa có cán bộ chuyên trách về trẻ em, về người chưa thành niên trong các cơ quan công an, kiểm sát, trợ giúp pháp lý, luật sư. Quy định giám sát pháp y bất cập, cản trở việc tố cáo, điều tra xâm hại trẻ em…
Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) Đặng Hoa Nam thừa nhận, hiện đang tồn tại nhiều hạn chế, thách thức trong công tác bảo vệ trẻ em. Việc phổ biến Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chậm được triển khai, nhất là ở các địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em của nhiều địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên nên hiệu quả hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa cao… Để bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em hiệu quả đòi hỏi phải phát hiện và giải quyết kịp thời các nguy cơ xâm hại trẻ em. Trẻ em có nguy cơ hoặc thực tế đã bị xâm hại phải được hỗ trợ, bảo vệ và người có hành vi xâm hại phải bị xử lý nghiêm khắc.
Trong bối cảnh Luật Trẻ em 2016 chỉ là một trong những đạo luật quy định cụ thể các quyền con người, quyền công dân được hiến định thì các yêu cầu về bảo vệ trẻ em, sự tham gia của trẻ em của Luật này phải được xem xét để rà soát, bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan đến bảo vệ trẻ em trong toàn bộ hệ thống pháp luật. Mục đích chung của việc sửa đổi, bổ sung những bộ luật, luật liên quan đến tư pháp là hình thành một hệ thống tư pháp thân thiện, vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em và người chưa thành niên, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Các chuyên gia cũng đề xuất cần sớm xem xét việc sửa đổi nâng quy định về tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em (trẻ em là người dưới 16 tuổi) để khắc phục những khoảng trống và thiếu đồng nhất về áp dụng chế tài, biện pháp xử lý hình sự, dân sự, hành chính cũng như các biện pháp bảo vệ đối với độ tuổi từ 16 đến dưới 18. Đồng thời phù hợp với quy định về tuổi trẻ em và chưa thành niên của Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ trẻ em. Không những thế, cần sớm triển khai việc nghiên cứu và xây dựng đề án về Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm đồng bộ hóa, quy định cụ thể yêu cầu, thủ tục, tiêu chuẩn đặc biệt về tư pháp toàn diện với người chưa thành niên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần