Bảo vệ trẻ em trước thảm họa thiên tai

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ em (TE) là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tác động của thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Bảo vệ TE thế nào là câu hỏi được xới lên tại hội thảo "Vận động chính sách, giải pháp phòng ngừa lao động TE trong thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu", diễn ra sáng 13/6.

Ước tính, mỗi năm, Việt Nam hứng chịu 5 – 7 cơn bão. Trong 3 thập kỷ qua, đã có 79 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; riêng năm 2016 có tới 20 loại hình thiên tai xảy ra tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm nhận định, thiên tai không chỉ làm chết nhiều người, gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe và tâm lý của TE. Những khó khăn về kinh tế có nguy cơ buộc TE phải bỏ học, đi làm để giúp gia đình vượt qua thách thức trong cuộc sống. Đánh giá nhanh tình hình bảo vệ TE ở vùng bị ảnh hưởng của hạn hán Ninh Thuận năm 2013, Bộ LĐTB&XH và 3 tổ chức thực hiện đã chỉ ra việc TE bị tách khỏi gia đình trong một khoảng thời gian, sao nhãng, bỏ học và căng thẳng tâm lý. Ví dụ, một số TE bị cha mẹ bỏ lại, hoặc ở một mình hay ở với anh chị em. TE thỉnh thoảng bỏ học để làm việc bán thời gian.

Nói về ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, ông Dương Văn Hùng – Cục Bảo vệ, chăm sóc TE, Bộ LĐTB&XH chỉ ra 4 nguy cơ tiềm ẩn lao động TE. Thứ nhất, di dời gia đình đến nơi khác an toàn để làm ăn vì thế TE khó có cơ hội tiếp tục học hành. Thứ hai, rơi vào tình trạng đặc biệt khó khăn, thậm chí nghèo đói. Thứ ba, mất công ăn việc làm, gia tăng khó khăn cho gia đình. Thiên tai cũng khiến hộ gia đình tái nghèo, do cha mẹ bị thiết mạng, ốm đau, thương tật, không còn lao động chính.

Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam Jesper Moller nhận định, khi thảm họa thiên tai ập đến, với những cộng đồng vốn đã nghèo thì lao động TE càng có khả năng gia tăng. Và trong một số trường hợp cũng làm gia tăng bạo lực, xâm hại TE khác như lao động cưỡng bức, buôn bán người, tảo hôn. TE, đặc biệt là những em mồ côi hoặc bị tách khỏi cha mẹ, dù là bị bỏ lại phía sau hay đang di chuyển đặc biệt có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại và bóc lột. “Một trong những biện pháp phòng, chống quan trọng nhất để bảo vệ TE, bao gồm lao động TE và tình huống khẩn cấp là giáo dục. Trên thế giới, lao động TE luôn được cho là một rào cản căn bản cản trở việc đi học của trẻ. Trong khi đó, giáo dục luôn là một chiến lược hiệu quả để giảm và chấm dứt lao động TE.

Cách tiếp cận hệ thống bảo vệ TE mà ông Jesper đưa ra cũng được nhiều người ủng hộ. Đó là cải cách luật pháp, bảo trợ xã hội và thu thập thông tin, số liệu để phân tích, quản lý và theo dõi có hệ thống các vấn đề bảo vệ TE trong thiết tai và môi trường khẩn cấp. Bộ LĐTB&XH cũng cần đưa ra những chiến lược phòng ngừa, ứng phó với thiên tai như: Đảm bảo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành, lồng ghép với các giải pháp bảo vệ TE; các biện pháp ứng phó với vấn đề bảo vệ TE trong tình huống khẩn cấp... Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, chúng ta có đầy đủ chính sách và chương trình, nhưng cần nâng cao truyền thông về thảm họa thiên tai, rủi ro trong cuộc sống để tự phòng tránh; đồng thời nhận thức đúng và đủ về quyền TE, trong mọi trường hợp cha mẹ cần tìm cách để con mình vẫn được đi học, thay vì đẩy khó khăn sang TE.

Các chuyên gia cũng bàn tới việc hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo để khi xảy ra thiên tai, không may trong gia đình có người lớn mất đi, TE vẫn có mức sống tối thiểu và được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ một cách nhanh nhất để các em không phải bỏ học.