Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thành tố thứ tư trong chủ đề của Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, được nhiều chuyên gia đánh giá cao, rất đúng và trúng với tình hình đất nước hiện nay.

Đây là thành tố mới so với chủ đề Đại hội X, XI, riêng chủ đề Đại hội IX có nêu thành tố về quốc phòng, an ninh khi xác định: “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định là một đòi hỏi tất yếu trong mọi hoàn cảnh lịch sử cũng như mọi giai đoạn phát triển của đất nước.
Diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9/2015.     Ảnh: Thanh Hải
Diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9/2015. Ảnh: Thanh Hải
Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, tình hình lãnh thổ quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Tổ quốc Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, Đảng ta khẳng định rõ hơn vấn đề này khi đưa vào chủ đề Đại hội XII. So với nội dung về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc được đề cập trong văn kiện Đại hội XI, nhiều ý kiến cho rằng, trong dự thảo văn kiện Đại hội XII, những nội dung này được Đảng nhấn mạnh một cách cụ thể với việc nói rõ tình hình, nhìn thẳng vào những hạn chế, khuyết điểm trong xây dựng quốc phòng, an ninh. Để từ đó xác định trọng tâm của Đảng và Nhân dân cùng thực hiện trong nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững chắc. Có như vậy mới tạo dựng được môi trường phát triển, giữ vững tình hình đất nước trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo hướng hiện đại.

“Vấn đề bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa nói thì dễ lắm, nhưng trước tình hình như thế này, bao nhiêu phức tạp đang diễn ra trên thế giới, đặc biệt vấn đề Biển Đông, bảo vệ toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc là cực kỳ nặng nề. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc nhưng phải giữ vững được hòa bình, ổn định. Đất nước mà rơi vào mất ổn định thì cực kỳ khó khăn. Trong hai vấn đề bảo vệ Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định thì bảo vệ Tổ quốc phải cao hơn. Giữ vững được ổn định mà Tổ quốc bị uy hiếp thì không thể chấp nhận được. Bảo vệ Tổ quốc là trên hết, là mục tiêu quan trọng hàng đầu” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói và cho rằng, phải tập trung đầu tư hơn biển đảo, cụ thể là cho lực lượng hải quân, cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư và cả ngư dân nữa.

Bên cạnh các thành tựu đạt được, Dự thảo cũng chỉ ra một số mặt còn hạn chế khuyết điểm của công tác quốc phòng, an ninh. Đó là: “Nhận thức về quốc phòng toàn dân và an ninh Nhân dân của một số cán bộ, đảng viên trong các ngành, các cấp chưa đầy đủ, sâu sắc, thiếu cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Công tác bảo vệ an ninh chính trị trong một số lĩnh vực còn có những thiếu sót; xử lý tình hình phức tạp nảy sinh ở cơ sở có lúc, có nơi còn bị động, tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn diễn biến phức tạp. Việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, đặc biệt tại các vùng chiến lược, biển, đảo còn chưa chặt chẽ”. Theo các chuyên gia, việc nhìn nhận rõ các khiếm khuyết đó là rất quan trọng, để từ đó có giải pháp, phương hướng khắc phục hiệu quả.

Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Dự thảo cần nhấn mạnh các nội dung quan trọng là: Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm, sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Kết hợp chặt chẽ kinh tế - văn hóa, xã hội với quốc phòng - an ninh và quốc phòng - an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng - an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng - an ninh và đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng - an ninh. Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc "xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, TP vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội"; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân, làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân làm nòng cốt.