Lo… ế chồng
Dãy nhà trọ ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh tập trung khá đông công nhân của Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Mỗi phòng trọ 10 - 15m2 có mức giá thuê 500.000 đến hơn 1 triệu đồng/tháng. Để tiết kiệm chi phí, thường mỗi phòng có 2 - 5 công nhân ở chung. Chị Nguyễn Thu Huệ (34 tuổi), làm việc cho một công ty ở Khu công nghiệp này gần 10 năm, mà vẫn quạnh hiu, đơn chiếc. Cùng phòng trọ với chị là hai chị khác cùng quê Hậu Lộc, Thanh Hóa, cũng đều trên tuổi “băm”. Huệ bảo, chị em cùng chung cảnh ngộ nên dễ cảm thông, chia sẻ.
Muốn “thoát ly” cuộc sống chân lấm tay bùn, Huệ theo bạn bè ra Hà Nội kiếm sống. Hai năm đầu, chị làm nhân viên chạy bàn cho một nhà hàng ở Cầu Giấy, đầu tắt mặt tối từ mờ sáng đến 10 giờ đêm. Lương thấp, công việc không ổn định, không được đóng bảo hiểm xã hội, nên khi người quen giới thiệu sang làm cho một công ty tại Đông Anh, chị đồng ý ngay. Hơn 10 năm làm việc ở Thủ đô, chị có rất ít thời gian cho riêng mình. Ngày Chủ nhật được nghỉ, nhưng cũng chẳng biết chơi đâu, chị lại xin làm tăng ca. Cuộc sống cứ thế trôi, ngoảnh đi ngoảnh lại đã ở tuổi 34, mà chị chưa có một mảnh tình vắt vai.Chị Trần Lan Hoa, cùng phòng với Huệ cũng vậy, đã 35 tuổi, nhiều lúc cũng ước có một mái ấm nho nhỏ, nhưng cuộc sống bấp bênh, môi trường làm việc toàn nữ, ít ra ngoài giao lưu, tiếp xúc nên... khó. Nhiều công nhân khác mà chúng tôi tiếp xúc cũng thừa nhận, họ không có thời gian tìm hiểu, hẹn hò và sợ không đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình nên đến giờ vẫn… đành ở vậy.Không đủ sốngCuộc sống vất vả, tăng ca liên tục, nhưng mức thu nhập vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Có những người rời quê lên TP cả chục năm, nhưng đến nay vẫn lo ăn từng bữa. Vợ chồng anh Trần Văn Mạnh (Nghi Lộc, Nghệ An), thuê trọ gần Khu công nghiệp Sài Đồng, Long Biên cưới nhau đã 6 năm, nhưng vẫn phải cậy nhờ ông bà nội ở quê chăm con. Làm việc trong công ty gần 10 năm, nhưng thu nhập hiện nay của anh Mạnh chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, còn vợ anh 4,5 triệu đồng. Hàng tháng, chi tiêu các khoản như điện, nước, tiền nhà, tiền ăn, điện thoại... rồi tiền học cho con, tổng cộng hơn 8 triệu đồng. Tính ra, mỗi tháng gia đình anh chỉ dành ra được khoảng 1 triệu đồng. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều công nhân khác. Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thu nhập từ lương cơ bản và lương làm thêm giờ của người lao động (NLĐ) đạt bình quân 4,72 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, họ phải chi tiêu trung bình 4,52 triệu đồng/tháng cho nhu cầu tối thiểu, chỉ có 16% số NLĐ được hỏi cho biết có tích lũy; trên 51% vừa đủ trang trải cuộc sống; 12% không đủ sống.Đã vậy, NLĐ còn phải đối diện với tình trạng DN “vắt chanh bỏ vỏ”. Anh Phan Mạnh Hùng - chủ một cơ sở sản xuất nhôm kính tại Hà Đông, không giấu, số lao động công ty anh luôn duy trì khoảng 30 người. Để tránh phải đóng BHXH cho công nhân, anh chỉ ký hợp động ngắn hạn, hết thời hạn hợp đồng lại ký tiếp. Vả lại, NLĐ cũng không muốn đóng BHXH vì sẽ bị trừ vào lương hàng tháng. Nhiều DN sa thải lao động ở độ tuổi 35 - 40 nhằm tránh trả lương cao và đóng các khoản phí bảo hiểm nhiều hơn so với lao động tuyển mới, trẻ tuổi khiến cuộc sống công nhân thêm bấp bênh. Kết quả điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn cũng cho thấy, hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút hơn 2.800.000 lao động. Bình quân độ tuổi công nhân trong các DN là 31,2 tuổi, thời gian trung bình của công nhân làm cho DN chỉ 6 - 7 năm. Điều này cho thấy, DN chỉ muốn sử dụng lao động trong độ tuổi sung sức.Dù nhiều đề xuất, phương án được đưa ra như sửa Luật Lao động, tăng trách nhiệm, ràng buộc giữa DN và NLĐ, nâng cao vai trò của công đoàn... nhưng xem ra, DN vẫn tìm mọi cách lách luật. Đời công nhân vốn đã bấp bênh lại còn thêm lắm lo toan, thấp thỏm.